Khái niệm chung về thủ pháp trong võ thuật cổ truyền

Trong Thập đại yếu pháp của võ thuật cổ truyền thì thủ pháp là một yếu pháp không thể tách rời. Bất cứ một môn võ nào đều không thể thiếu thủ pháp, nếu ta ví đôi chân như cặp bánh xe để chuyên chở thì đôi tay là những trái pháo để công phá, như vậy đủ biết tầm quan trọng của nó. Nhưng để hiểu được về thủ pháp ta hãy tìm hiểu sự khác nhau giữa phương pháp rèn luyện đôi tay trong các môn thể thao có gì khác biệt với các phương pháp rèn luyện đôi tay trong võ thuật. Cổ nhân xưa nói “Khó đôi bàn tay” ý nói không có đôi bàn tay thì không thể làm được việc gì, khi sử dụng đôi tay trong cuộc sống thường nhật hoặc các môn thể thao khác, ngoài yếu tố cơ, lực ra thì chủ yếu là dùng bàn tay để nắm là chính, còn cánh tay, cẳng tay chỉ có nhiệm vụ tiếp nối dẫn lực lưu chuyển. Trong võ thuật thì có sự khác biệt hẳn bởi cách sử dụng tay, từ cánh tay, cẳng tay đến bàn tay là cả một nghệ thuật, từ đầu ngón tay cho đến các khớp của ngón, từ cạnh bàn tay đến lưng bàn tay, lòng bàn tay, ức bàn tay cho đến cạnh cổ tay, cùi chỏ, tất cả đều ẩn chứa một kho vũ khí thiên nhiên trên cơ thể con người mà tạo hóa đã ban tặng.

Với võ thuật thì quan trọng nhất là võ đức và tính thực dụng, nhất thiết phải lý giải được ý nghĩa của từng việc làm, từng loại thủ hình, phải lĩnh hội được yếu quyết căn bản và thực hiện phương pháp hữu hiệu dựa vào cách dụng pháp như góc độ, lực học … là những thứ cần phải học khi đối phó, ứng dụng với đối phương. Ngoài các phương pháp tập luyện ra còn có các phương vị của đòn thế, cương, nhu, kình lực … Rồi công, thủ, phản, biến, các bước pháp thay đổi liên tục và nhiều vô kể, các tình huống của thủ pháp võ thuật trong từng giai đoạn không hề giống nhau đã nói rõ các điểm khác biệt cơ bản giữa võ thuật và các môn thể thao khác.

Quyền ngạn có câu : “Hai tay hai cánh cửa” (nghĩa : hai tay là hai cánh cửa). Võ thuật cổ truyền đặc biệt xem trọng câu nói này và chính đây cũng là điểm xác nhận vai trò quan trọng không thể thiếu của đôi tay trong võ thuật. Tới đây hẳn chúng ta có thể nhận thấy: “Thủ pháp là bộ máy không thể thiếu trong căn nhà võ thuật”, thiếu nó thì bất cứ một môn võ nào dù có đồ sộ đến đâu có thể thực thi các đòn thế được hay không?

Vậy thủ pháp quan trọng như thế nào? Điều này khi tập riêng rẽ từng loại hình của võ thuật ta không thể cảm nhận được ngay, chỉ đến khi nào luyện tập kích đả, đối kháng trong thực tế ta mới lĩnh hội và hiểu được tầm quan trọng của thủ pháp. Thủ pháp để công kích, đón đỡ các đòn thế của đối phương, để phản kích lại khi bị đối phương phản đòn, có thể nói thủ pháp là linh hồn của võ thuật trong thực chiến. Võ thuật cổ truyền Việt Nam là môn võ thuật chiến đấu từ xa xưa của tổ tiên nên rất coi trọng thủ pháp là một trong “Thập đại yếu pháp” (10 phương pháp quan trọng lớn) và coi đó là căn bản gốc rễ của võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Quyền ngạn có câu: “Hình yếu thị bất chính, tắc phép bất tồn”. Nghĩa: Nếu hình không chuẩn thì pháp không tồn tại.

Điểm quan trọng này không chỉ là chân lý trong võ thuật mà trong tất cả các môn nghệ thuật, thể thao, hay trong cuộc sống… đều như vậy cả. Điều cơ bản đầu tiên là phải lý giải và lĩnh hội một cách chính xác về khái niệm cơ bản của thủ pháp (hình thức ứng dụng của đôi tay).

Võ thuật cổ truyền Việt Nam có nhiều các dòng phái, kỹ thuật thì phong phú, đa dạng, biến ảo đến lạ kỳ, ở đây trong khuôn khổ của cuốn sách chỉ đề cập đến thủ hình, thủ pháp thường dùng đến nhiều nhất trong võ thuật cổ truyền Việt Nam.

thập đại yếu pháp

 

 

 

Filed in: Hệ thống Kỹ thuật, Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.