SỰ LIÊN QUAN GIỮA LÝ LUẬN TRUNG Y VÀ NGUYÊN LÝ KHÍ CÔNG – Bài 5

MỐI QUAN HỆ GIỮA KHÍ CÔNG  VỚI HỌC THUYẾT KINH LẠC. (Bài 5)

Hệ thống kinh mạch

Hệ thống kinh mạch

Kinh lạc là tên gọi chung cho các kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể con người. Căn cứ vào những tài liệu còn lưu trữ và kết quả thực nghiệm khoa học cận đại, chúng ta phát hiện thấy: nguồn gốc và quá trình hình thành học thuyết kinh lạc có quan hệ mật thiết với khí công. Lý Thời Trân nói: “Đường máng ở bên trong, chỉ người có khả năng nhìn được vào trong mới quan sát thấy rõ được (nội cảnh tụy đạo, duy phản thị giả năng chiếu sát bi)”. Trên cơ sở những sự thật về hiện tượng sau khi luyện công; cảm nhận về sự hiện diện kinh lạc ngày một nhiều cho phép chúng ta nghĩ : rất có thể nhờ luyện công mà con người đã phát hiện ra kinh lạc.

Kinh lạc phân bố khắp cơ thể, nó là con đường vận hành khí, huyết, tân dịch, là kết cấu sinh lý có tác dụng liên lạc lục phủ ngũ tạng, liên kết các hệ thống, các khí quan, các tổ chức thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Kinh lạc có tác dụng sinh lý rộng rãi và vô cùng quan trọng. Có thể khái quát tác dụng của kinh lạc như sau: vận hành khí huyết để dinh dưỡng ở bên trong, vận hành dinh vệ ở bên ngoài để bảo vệ, liên lạc phủ tạng; truyền biến tà bệnh; giúp con người thăm khám, quan sát cơ lý bệnh v.v…Vì thế khí công có thể thông qua cơ chế “Thông kinh hoạt lạc” để thực hiện biện pháp chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe. Quan sát trên lâm sàng cho thấy, ở những người khí huyết không điều hòa, kinh lạc không thông các chỉ số đo được trên kinh lạc chạy dọc theo chân tay thường không bằng nhau hoặc sai lệch rất lớn. Sau khi luyện công, các chỉ số đó có thể cân bằng, hoặc trị số sai lệch giảm xuống. Kiểm tra khí huyết thấy, những người khí huyết hư nhược sau khi luyện khí công, khí huyết đều tăng đến một mức độ nào đó. Trong quá trình luyện công, có thể quan sát được biểu hiện truyền cảm một cách rõ ràng trên kinh lạc và cảm nhận được nội khí tuần hoàn trên Nhâm Đốc hoặc các kinh mạch khác. Đó là những biểu hiện cụ thể khí công có khả năng làm thông suốt kinh lạc.

Do vậy trong các phương pháp luyện khí công có phương pháp vận khí trên kỳ kinh bát mạch, hoặc trên mười hai chính kinh, gọi là phép “Đại chu thiên”, hoặc chỉ giới hạn vận khí trên hai mạch Nhâm Đốc, phép vận khí này gọi là phép “Tiểu chu thiên”.

Khí và huyết có quan hệ dựa vào nhau, tác dụng qua lại lẫn nhau. Quan hệ này được đúc kết trong câu “Khí là chủ soái của huyết, huyết là mẹ của khí”. Khí công điều hòa khí huyết, thông hoạt kinh lạc, điều này không những đã được chứng thực trên lâm sàng, mà trên quan sát thực tế, chúng ta cũng đã thu được nhiều chứng cứ có ý nghĩa. Luyện công tiến triển đến một mức độ nào đó  thì vận hành khí huyết trong cơ thể có những thay đổi mang tính chất điều tiết: huyết dịch được phân phối lại, các mao quản li ti nở ra, tình trạng tuần hoàn được cải thiện, lưu lượng huyết tăng lên một cách có trình tự, nhiệt độ cục bộ tăng lên. Qua bài tập: “Tâm tức tương y, dĩ ý lĩnh khí (tâm và hơi thở cùng dựa vào nhau, lấy ý lĩnh khí)”, người luyện công có thể tùy theo ý mình, dẫn khí đến bất cứ chỗ nào hoặc một phủ tạng nào đó, “Ý đến là khí đến”. Căn cứ vào lý luận “Khí là chủ soái của huyết, khí hành thì huyết hành”, những nơi nào và phủ tạng nào có khí đến thì lưu lượng huyết ở đó cũng tăng lên. Khi các nhà nghiên cứu khoa học dùng máy quan sát hiện tượng nhiệt trên cơ thể cho thấy, khi luyện công, khí huyết đến đâu thì tương ứng trên màn hình nơi đó đang tối sẽ sáng lên, đốm sáng di chuyển theo ý niệm. Đo nhiệt độ nơi đó tăng từ 2oC đến 3oC. Nơi nào có ý niệm tới, khí tới thì lưu lượng huyết cục bộ ở đó đều tăng khoảng 30%. Đó là những biểu hiện cụ thể về tác dụng điều hòa khí huyết, thông hoạt kinh lạc của khí công đã đặt nền móng cho cơ sở lý luận khí công chữa bệnh, khí công bảo vệ sức khỏe.

Khí công thuộc phạm trù khoa học về sự sống. Chúng ta cần phải tiếp tục làm sáng tỏ thêm nữa bản chất phòng bệnh, tự chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe của khí công. Theo đà phát triển của khoa học tự nhiên chắc chắn sẽ có những khám phá về cơ chế và nguyên lý trị bệnh của khí công.

 

Tiết Lập xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.

(Ngày 6 tháng giêng năm Bính Thân).

Ngày 13 tháng 2 năm 2016.

Lương y – Võ sư: Lý Băng Sơn.

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.