TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)

TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)

Trong võ thuật và luyện tập nội, khí công rất nhiều người nghe nói đến việc “Tẩu hỏa nhập ma” khi luyện tập nội, khí công. Vậy tẩu hỏa nhập ma là gì, có hay không? Thực chất của nó là gì ? Có người còn nói tới “Ma sự” nhất là với những người tu luyện những pháp công thuộc phật giáo như “Thiền định”. Vậy “Ma sự” là gì? Tại sao lại gọi như vậy, nó có liên quan gì tới “Tẩu hỏa nhập ma” không ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từng vấn đề một.

Tây Độc Âu Dương Phong, nhân vật trong tác phẩm Anh Hùng Xạ Điên của nhà văn Kim Dung bị Tẩu hỏa nhập ma do luyện sai Cửu Âm Chân Kinh (Hình chỉ mang tính chất minh họa)

Tây Độc Âu Dương Phong, nhân vật trong tác phẩm Anh Hùng Xạ Điên của nhà văn Kim Dung bị Tẩu hỏa nhập ma do luyện sai Cửu Âm Chân Kinh (Hình chỉ mang tính chất minh họa)

I. Ma sự là gì ?

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về “Ma sự”. Trước hết chúng ta hãy hiểu Ma ở đây không phải là hiện tượng ma, quái như trong dân gian ta đã quan niệm, mà “Ma sự” ở đây là chỉ tất cả những ý niệm và hành vi quấy nhiễu thân tâm, làm trở ngại tu hành, nó khiến cho người tập mất đi “Tuệ mệnh” mà đi lầm vào lối rẽ khác. Sách “Bà sa luận” nói : “Đoạn tuệ mệnh gọi là ma”. Sách “Đại trí độ luận” cũng nói : “Đoạn tuệ mệnh, phá hoại thiên bản công đức đạo pháp gọi là ma”. Đứng trên góc độ hiện đại ngày nay, từ lý luận khí công hiện đại mà xem xét thì “Ma sự” tức là sự tập luyện khí công bị sai lệch. Trong quá trình luyện khí công phát sinh bệnh trạng, hoặc trở ngại về tinh thần.

Trong phật giáo chia “Ma sự” làm 4 loại:

01- Phiền não ma: Là những phiền não do tham, sân, si gây ra trong tâm.

02- Âm ma: Là ngũ âm của thân tâm.

03- Tử ma: Tức là tử vong.

04- Thiên ma: Là thiên ma vương chuyên làm hại người học đạo.

Như vậy là có tồn tại “Ma sự”. Trong “Ma ha chỉ quán” tổng kết làm 3 loại “ma sự” là :

– Khiến người mất quán tâm và được phép tà.

– Xuất hiện các loại huyễn giác, và các bệnh tật của thân tâm, chủ yếu là các hiện tượng biến thái tinh thần, tâm lý.

– Tâm sinh lý mất điều hòa một cách không tự giác.

“Ma sự” khiến cho người tu thiền mất đi hành vi khống chế, thậm chí còn làm mất mạng.

 

II. Ma sự & sự ảnh hưởng của nó trong luyện tập khí công

Việc tạo thành “Ma sự” trong luyện tập khí công có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu có các nhân tố sau:

– Người luyện công có tố chất và cơ sở kém, tốc độ hành khí quá nhanh, cường độ quá lớn, khiến cho khí trong cơ thể ngưng tụ nhiều mà lại không có nơi quy nạp dẫn đến kinh mạch không thể chuyển tải, nội khí xung ra mãnh liệt làm cho kinh mạch và tổ chức tạng khí trực tiếp bị tổn hại.

– Không thể làm cho khí môn khởi tác dụng điều tiết khí thể, khiến cho khí hành bị trở ngại, bị trệ khí, ứ huyết trong một bộ phận nào đó, kinh mạch bị bế tắc và tạng phủ thất điều.

– Người luyện công không căn cứ vào tình hình cụ thể, sự thay đổi của tinh, khí, thần trong cơ thể mà lại luyện công mù quáng khiến cho tinh, khí, thần chuyển hóa thất điều. Hóa tinh quá độ khiến cho dương khí không đủ, cơ thể vô lực. Hóa khí quá độ khiến cho khí bế, tinh bị tổn thương, công năng sinh lý toàn thân thất điều. Hóa thần  quá độ khiến cho dương khí quá thắng, tâm lý hỗn loạn thậm chí điên cuồng, hao tổn âm huyết.

– Không có lý giải đối với công pháp, cứ mù quáng luyện công, ý niệm không ước thúc được, không thể thu công.

– Tố chất tâm lý và cơ thể của người luyện công quá kém làm cho người luyện đắm chìm trong huyễn giác, ý niệm không kiềm giữ được làm cho hao tổn nguyên tinh và tâm huyết cơ thể, khiến cho thần trí hoảng hốt.

– Người luyện tham công mà tiến, gấp gáp muốn thành tựu, không coi trọng tu luyện công pháp cơ sở, chưa chuẩn bị công lực nhất định mà lại luyện công pháp cao thâm, làm cho sai lệch.

– Hoạt động của tiềm ý thức  khiến cho ngưởi luyện công lúc luyện tâm lý không vững mạnh, bị kích thích khiến cho tâm lý trở ngại mà dẫn đến phát bệnh như các chứng trạng thần kinh kỳ lạ.

 

III. Tẩu hỏa nhập ma.

Còn tẩu hỏa nhập ma thực ra là gì?

Thực ra “Tẩu hỏa – Nhập ma” là hai hiện tượng khác nhau, nhưng cả hai đều xuất phát từ việc luyện tập công phu võ thuật trái với quy luật vận động sinh lý tự nhiên. Động tác hít thở trái với sự vận động của cơ bắp, hay ngược lại sự tập trung tư tưởng chưa đến nơi đến chốn, quy trình dẫn “Ý – Khí – Lực” trái với qui luật vận động tự nhiên… hoặc không bảo đảm chế độ dinh dưỡng. Tất cả đều gây nên ảnh hưởng không tốt cho lượng khí đưa vào chân thân cũng như không tốt cho lượng thán khí đưa ra khỏi cơ thể, mà khí thì lại liên quan mật thiết với huyết (máu), liên quan đến sự sinh tồn của con người.

III.1. Tẩu hỏa.

 Nguyên tắc chung của luyện công là đưa thật nhiều khí vào chân thân và loại thật nhiều thán khí khỏi cơ thể, còn trái lại sẽ gây ra tình trạng rối loạn tuần hoàn do máu nhiễm độc. CO2 có quá nhiều trong máu gây tình trạng dư acid lactic, thiếu máu ở não, rối loạn các cơ quan chức năng,  rối loạn thần kinh và các tế   bào não bị suy thoái. Điều này cho thấy hiện tượng “Tẩu hỏa”, là một hiện tượng có thật mà cả tây y, lẫn đông y đều quan tâm nghiên cứu.

Khi bị “Tẩu hỏa” người bị sẽ lâm vào tình trạng toàn thân tăng nhiệt độ, khí lực di chuyển trong chân thân không kiểm soát được, dẫn đến đầu lúc nào cũng nặng trĩu, mắt hoa cả lên, vùng ngực, hay bụng bị đau nhói, nếu không kịp chữa trị, người bị “Tẩu hỏa”, sẽ chuyển sang giai đoạn trầm trọng hơn là toàn thân nóng rực, đau nhức, rời rã. Còn về mặt ý thức người bị “Tẩu hỏa” sẽ tiến dần đến tình trạng mất dần tri thức và cuối cùng lâm vào tình trạng điên cuồng. Những bệnh tật khác như tim mạch, tê liệt, loét dạ dày, xuất tinh ngoài ý muốn, vỡ hồng huyết cầu…theo đó lần lượt đến và cuối cùng có thể dẫn đến cái chết.

Như vậy là chúng ta đã có thể hiểu về “Tẩu hỏa” một cách khá rõ ràng.

Còn “Nhập ma” là gì ? Tại sao lại có hiện tượng nhập ma ?

III.2. Nhập ma.

“Nhập ma” thì hoàn toàn khác hẳn. Ở giai đoạn đầu của tình trạng “nhập ma” thì khó ai có thể thẩm định được, người bệnh hầu như không hề bộc phát ra ngoài. Duy chỉ có những bậc thầy võ, chân sư giầu kinh nghiệm mới nhận biết được mà thôi.

Đó là sự say mê hoàn toàn ảo tưởng của người bị “Nhập ma” làm cho họ giống như những kẻ tự cao tự đại và chỉ có như vậy. Nhưng một khi căn bệnh “Nhập ma” đến giai đoạn bộc phát thì người bệnh sẽ sống trong tình trạng mê loạn tâm thần, không có khả năng phân biệt được thực hư và thể trạng ngày một xanh xao vàng vọt. Cuối cùng nếu không chữa trị kịp thời, người bị “Nhập ma” cũng sẽ đi đến tình trạng điên loạn, suy nhược cơ thể, bệnh tật liên miên và có thể dẫn đến cái chết.

Trong bộ “Thiếu Lâm ký sự đại tập” có ghi lại một câu chuyện: “Loạn đả kinh mạch” đáng để ta lưu ý khi luyện công:

* “Đời vua Hiến Tôn, Thiếu Lâm phái dưới quyền điều khiển của Nguyên Hiệu thiền sư, chưởng môn đời thứ 16, có thu nhận một môn đồ cư sĩ là Lâm Hồng Hải. Sau 5 năm thọ giáo, bản lĩnh của Lâm Hồng Hải đã vượt quá trung đẳng, được cho vào hàng cao đẳng và được luân phiên canh giữ tàng kinh các để có dịp nghiên cứu thêm các loại võ công, cho rộng đường trí thức. Mỗi phiên gác lầu kinh là 4 người, qua thời hạn 1 tháng phải trao cho 4 vị khác. Ngày bàn giao được kiểm điểm vô cùng kỹ lưỡng. Trong 14 ngày đầu, họ Lâm say mê đọc tất cả những sách vận công luyện khí, mà số sách này thì có cả ngàn cuốn. Trong 14 ngày đầu tiên ấy, họ Lâm chỉ đọc được  có mươi cuốn, đọc ngấu nghiến, say mê, mất một nửa thời gian trong hạn định ở Tàng Kinh Các rồi và ít nhất cũng phải 2 năm sau đó mới đến phiên mình. Họ Lâm sững sờ luyến tiếc… và vì đọc quá nhiều, quá lộn xộn, kỹ thuật các phái xâm nhập kinh mạch, làm tư tưởng đảo lộn cả thói quen vận công của bản phái, kinh mạch bị loạn đả. Họ Lâm điên cuồng, đập phá và chạy tuốt vào rừng. Các cao đồ phải đuổi theo bắt về. Nguyên Hiệu sư trưởng phải điểm huyệt phế hết toàn bộ nội công luyện khí mới cứu tỉnh được họ Lâm. Công phu tu luyện bao năm trời trôi theo dòng nước, phải bắt đầu lại tất cả”.

Xem chơi còn loạn động kinh mạch, huống gì là luyện sai hoặc luyện môn công khác phái, sự nguy hiểm sẽ dẫn tới bản thân quả là không nhỏ vậy.

** Trường hợp thứ hai là của một cao thủ trong làng võ Sài Gòn ở thập niên 70 thế kỷ XX trước đây là Thích Phước Điện.

Thích Phước Điện đã từng bị “Tẩu hỏa, nhập ma” khi tập sai một động tác trong Dịch Cân Kinh (nội công thượng thừa của võ phái Thiếu Lâm) ngay trong thức 1 đã rút tay lên quá eo lưng. Về tình trạng “Tẩu hỏa, nhập ma” của mình đã được Thích Phước Điện mô tả như sau:

“… Giã từ Đông y, tôi tìm đến Tây y… nhưng đâu vẫn còn đấy, chu kỳ nóng vẫn đến cao độ rồi lại xuất tinh, sau đó liên tục nóng trở lại và xuất tinh vẫn đến với tôi hàng tuần… Tôi ốm yếu quá, mặt mày vàng võ xanh xao, sụt đến 12kg. Người tôi đôi khi đi không vững. Tôi chán cho chính tôi. Tôi biết bệnh của tôi chỉ có người rành về tu luyện, phải giỏi nội công, khí công, hoặc có thừa kinh nghiệm võ công, may ra mới cứu tôi ra khỏi đoạn trường Dịch Cân Kinh này mà thôi!” Cuối cùng, nhờ những tài liệu : Dịch Cân Kinh (bản ở Nhật), sách thuốc trị các bệnh do huyết mạch, khí công tâm pháp, “Huyền nghĩa dịch cân kinh” (Bản ở Anh), “Khí công y dược trị liệu toàn thư” của bằng hữu gửi về từ Nhật Bản, Anh quốc, Ma Cao, Thích Phước Điện mới tìm cách điều trị bệnh “tẩu hỏa, nhập ma” của mình phục hồi công lực.

Như vậy, nội – khí công là một môn công phu có thực. Khi rèn luyện có thể đạt được những kết quả phi thường dẫn đến nội khí được hàm dưỡng để thân tâm trở thành siêu phàm hoặc là chuốc lấy những tổn thất không lường trước được như bị “Tẩu hỏa nhập ma”. Ở vào giai đoạn trầm trọng, cả hai trường hợp này, thì việc chữa trị rất khó, rất tốn kém về tài chính, phải gặp được chân sư hay danh y. Chính vì vậy nên cách phòng bệnh tốt nhất là không nên tự ý luyện tập bất cứ môn công phu võ thuật nào, nếu không có sự chỉ bảo, dìu dắt tận tình, và tường tận của một bậc chân sư. Đặc biệt là trong lĩnh vực nội công – khí công. Mọi sách viết về lĩnh vực này trên thị trường dù là uyên thâm nhất cũng chỉ trình bày một cách tổng quát về các chiêu thức mà không có sự giải thích tường tận các bí quyết ảo diệu của các chiêu thức võ thuật hoặc công pháp nội – khí công. Tài liệu, sách vở chỉ cung cấp phần nào kiến thức mà thôi.

Hai đích thành công hay thất bại chỉ cách nhau một đường tơ kẽ tóc. Hãy tìm hiểu và tự tìm cho mình một người thầy chân chính đủ trình độ hướng dẫn, dạy bảo cho mình để hầu đạt đến thành công vững chắc, tránh được những tai biến thất thường.

Hãy luôn nhớ : “Dục tốc bất đạt”.

Chúc quý vị hành giả, tín đồ yêu thích môn võ thuật, nội, khí công kiêm tâm, trì chí, thường hằng trên con đường luyện tập, Đường đi ngã rẽ của các nhà võ thì nhiều vô kể nhưng chân lý của nghành võ chỉ có thể đúc kết trong một câu : “Khổ luyện kiến thâm công” !

Chúc quý vị an vui trên con đường khổ luyện hầu đạt tới cái đích chân như của võ đạo sự Chân – Thiện – Mỹ !

 

Tiết Lập Xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.

(Ngày 10 tháng giêng năm Bính Thân)

Ngày 17 tháng 2 năm 2016.

Võ sư Lý Băng Sơn

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 3969 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.