Thủ hình trong Võ Lâm Phật Gia Việt Nam

Võ thuật cổ truyền Việt Nam là tổng hợp kỹ thuật các dòng phái, của các vùng miền nên rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên để nhìn về nguyên gốc xuất phát ra các kỹ thuật đa dạng đó cũng không nằm ngoài 20 dạng thủ hình thường thấy, thường dùng như: nhất dương chỉ, long tu chỉ, độc giác chỉ, xà tín chỉ, giải giáp chỉ, long đầu quyền, phượng nhãn quyền, báo quyền, nhật tự quyền, phượng dực, đao thủ, hầu thủ, thập tự thủ, hạc thủ, xà thủ, bát tự chưởng, hổ trảo, ưng trảo, long trảo.

1.1. Nhất dương chỉ (H1).

Ngón trỏ duỗi thẳng ra, ngón giữa, ngón áp út, ngón út, ngón cái xếp gập lại co vào phía trong lòng bàn tay do dùng như mũi thương nên gọi là nhất dương chỉ.

– Công dụng chính : điểm vào các trọng huyệt như mắt, yết hầu, cạnh cổ …

 nhất dương chỉ

(H1)

 

1.2. Long tu chỉ (H2).

Ngón trỏ và ngón giữa duỗi thẳng như hình chữ v, ngón áp út, ngón út, ngón cái xếp lại co vào phía trong lòng bàn tay, do hai ngón tay nhỏ như râu rồng nên có tên gọi là long tu chỉ.

– Công dụng chính : điểm vào trọng huyệt, mắt, hầu …

Long tu chỉ

(H2)

1.3. Độc giác chỉ (H3).

Bàn tay nắm lại, ngón cái đặt lên phía trên ngón trỏ cho đầu đốt xương của ngón tay cái nhô hẳn ra. Do ngón tay cái nhô lên như sừng tê giác nên gọi là độc giác chỉ.

– Công dụng chính : dùng để đánh vào các trọng huyệt.

Độc giác chỉ

(H3)

1.4. Xà tín chỉ (H4).

Ngón trỏ và ngón giữa duỗi thẳng ra khép sát nhau, các ngón còn lại co gập vào phía trong lòng bàn tay. Do 2 tay như lưỡi rắn thè ra nên gọi là xà tín chỉ.

– Công dụng chính : điểm vào các trọng huyệt như yết hầu, khí hải, đan điền, huyền ung, chiên trung …

Xà tín chỉ

(H4)

 

1.5. Giải giáp chỉ (H5).

Ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái dang rộng, uốn cong về một phía tạo thành hình chữ C còn ngón áp út và ngón út hơi co lại gập vào phía trong lòng bàn tay. Do có hình như càng cua nên gọi là giải giáp chỉ.

– Công dụng chính : chụp bắt yết hầu, be sườn, cổ tay, các đường gân lớn.

Giải giáp chỉ

(H5)

1.6. Long đầu quyền (H6).

Các ngón co gập lại vào lòng bàn tay, đầu đốt xương thứ 3 của ngón giữa chồi lên cho đầu khớp xương nhô lên như cục u trên đầu rồng nên gọi là long đầu quyền.

– Công dụng chính : dùng đánh vào các trọng huyệt : thái dương, nhân trung, hậu nhĩ, mắt, …

Long đầu quyền

(H6)

 

1.7. Phượng nhãn quyền (H7).

Ngón trỏ gập lại, đầu đốt xương thứ 3 chồi lên, ngón cái gập vào chặn lên đốt xương thứ nhất của ngón trỏ, các ngón còn lại co gập vào phía trong lòng bàn tay. Do ngón trỏ tạo thành giống mắt phượng nên gọi là phượng nhãn quyền.

– Công dụng chính : đánh, điểm vào các trọng huyệt, mắt, thái dương, hậu nhĩ, nhân trung …

phượng nhãn quyền

(H7)


1.8 Báo quyền (H8)

Các ngón tay gập lại đầu đốt xương thứ 3 khép sát nhau, đầu đốt xương thứ 3 của 4 ngón nhô lên tạo thành đỉnh tam giác, ngón cái gập lại để chặn lên cạnh đốt xương thứ 2 của ngón trỏ (còn gọi là tam giác giữa).

– Công dụng chính : vả vào mặt, hàm, đánh vào các đần gân, nhân trung, sống mũi, mắt …

Báo quyền

(H8)

 

1.9. Nhật tự quyền (H9).

Bốn ngón trỏ, giữa, áp út co gập lại vào phía trong lòng bàn tay, ngón cái cũng co lại chặn lên đốt xương thứ 2 của ngón trỏ, ngón giữa tạo thành hình chữ nhật nên gọi là nhật tự quyền.

– Công dụng chính : đấm, móc, đập, gõ vào đầu, mặt, hàm, cằm, ngực, bụng, …

 nhật tự quyền

(H9)

1.10. Phượng dực (H10).

Cẳng tay co lại sát cánh tay, khớp xương nối cẳng tay và cánh tay nhô ra, đó là khớp chỏ, còn gọi là cùi chỏ. Do được triển khai vươn mở như cánh phượng nên gọi là phượng dực.

– Công dụng chính : dùng đánh thúc vào các nơi hiểm yếu như hàm, thái dương, mặt, be sườn, …

phượng dực

(H10)

 

1.11. Đao thủ (H11).

Bàn tay xòe thấy 4 ngón trỏ, giữa, áp út, út xếp sát vào nhau, ngón cái gập vào trong lòng bàn tay, đốt xương đầu của 4 ngón tay hơi co lại, tạo thành hình mũi dao nên có tên là đao thủ.

– Công dụng chính : chặt, xỉa, phạt vào cổ, mang tai, hông, cạnh hàm, …

đao thủ

(H11)


1.12. Hầu thủ (H12).

Cẳng tay co lên vuông góc, cổ tay gập lại, các ngón tay rủ xuống tự nhiên. Do có hình dạng như khỉ nên gọi là hầu thủ.

– Công dụng chính : dùng để đỡ bắt cổ tay hoặc chụp vào hạ bộ đối phương.

 hầu thủ

(H12)

 

1.13. Hạc thủ (H13)

Còn có tên gọi khác là Câu thủ, các đầu ngón tay chụm lại sát nhau, đầu các ngón tay bằng nhau, do có hình dạng như mỏ chim Hạc nên gọi là Hạc thủ.

– Công dụng chính: Dùng để câu đỡ và điểm, mổ vào các huyệt Thái dương, mắt, …

 hạc thủ

(H13)

 

1.14. Xà thủ (H14).

Bốn ngón tay gập lại sát nhau, các đầu ngón hướng về phía trước, ngón cái gập lại. Do có hình dạng như đầu rắn nên gọi là xà thủ.

– Công dụng chính : dùng để đỡ, cuốn khóa tay, điểm vào các huyệt trọng yếu của đối phương .

Xà thủ

(H14)

 

1.15. Bát tự chưởng (H15).

Bàn tay mở ra 4 ngón trỏ, giữa, áp út, út hơi co lại, ngón cái mở rộng ra bên cạnh, do có hình dạng như chữ bát nên gọi là bát tự chưởng.

– Công dụng chính : dùng để bắt, chụp, đỡ cổ tay, cổ chân đối phương hoặc chặn đánh huyệt và yết hầu.

Bát tự chưởng

(H15)

 

1.16. Hùng chưởng (H16).

Đốt đầu, đốt hai của 4 ngón tay co lại, sát lòng bàn tay, ngón cái cũng gập vào lòng bàn tay. Do có hình dạng của bàn tay gấu nên gọi là hùng chưởng.

– Công dụng chính : dùng để đánh, vả vào các nơi yếu hại trên cơ thể, hoặc dùng đỡ, ép…

Hùng chưởng

(H16)

 

1.17. Hổ trảo (H17).

Năm ngón tay mở ra, đầu ngón thứ nhất, thứ hai co lại vào lòng bàn tay. Do có hình dạng như móng vuốt của hổ nên gọi là hổ trảo.

– Công dụng chính : dùng để bắt, đỡ, đánh, vả, vồ vào các nơi yếu hại trên thân thể …

Hổ trảo

(H17)

 


1.18. Ưng trảo (H18).

Ngón trỏ, ngón giữa hơi co lại, ngón cái cũng co tạo thành hình chữ C lớn, các ngón áp út, út co lại thành hình chữ C nhỏ tạo thành hình móng vuốt. Do có hình dạng như vuốt chim ưng nên gọi là ưng trảo.

– Công dụng chính : dùng để chộp, bắt cổ tay, cổ chân, các khớp, các gân mạnh hoặc đánh vào yết hầu …

Ưng trảo

(H18)

 

1.19. Long trảo (H19).

Năm ngón tay mở ra, đầu đốt xương thứ nhất của 5 ngón tay co lại khum vào trong lòng bàn tay. Do có dạng móng vuốt như móng vuốt của rồng nên gọi là long trảo.

– Công dụng chính : dùng để đỡ, chụp, bắt cổ tay, cổ chân, mặt đối phương …

Long trảo

(H19)


1.20. Thập tự thủ (H20).

Hai tay mở đao hoặc mở chưởng, hai cổ tay giao chéo nhau, do có hình dạng như hình chữ thập nên gọi là thập tự thủ.

– Công dụng chính : dùng để đón đỡ, bắt các đòn tấn công bằng chân hoặc tay của đối phương đánh tới.

Thập tự thủ

(H20)

Filed in: Hệ thống Kỹ thuật, Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.