Thủ hình, thủ pháp căn bản trong Võ Lâm Phật Gia Việt Nam – phần 1

Theo cơ bản của võ thuật cổ truyền thì thủ pháp chia ra làm 2 loại là thủ hình và thủ pháp. Hình để chứa pháp, pháp để diễn hình.

1. Ý nghĩa của thủ hình, thủ pháp.

1.1 Ý nghĩa của thủ hình.

Theo nguyên nghĩa của từ “thủ” (cổ ngữ) có nghĩa là tay, còn “hình” có nghĩa là hình dáng. Vì thế ta có thể hiểu “thủ hình” là các dạng hình dáng của tay.

1.2 Ý nghĩa của thủ pháp.

Như ta đã nói, “thủ” có nghĩa là tay còn “pháp” là pháp. Hiểu rộng ra thì là phương pháp sử dụng tay. Như vậy thủ hình và thủ pháp là một và gọi chung là “thủ pháp”, cả hai tuy hai mà một không thể tách rời, ở đây làm rõ để ta có thể hiểu rõ công năng và ứng dụng của từng loại, để khi hợp lại ta có thể hiểu rõ ràng về cơ chế của từng loại, không phải băn khoăn gì khi tập luyện, khi lòng đã sáng tỏ thì tâm tịnh, tâm tịnh thần sẽ an định, thần an định thì tâm trí sẽ sáng suốt, lo gì việc học luyện không thành.

2. Thủ pháp có nguồn gốc của bộ chân cầm thú.

Hầu hết các loại động vật trên cạn chỉ có chân mà không có tay (chỉ có loài viên, hầu là có đủ chân tay). Sự phát triển di truyền để lại cho phép các loài động vật sử dụng sức mạnh tự nhiên sẵn có của thân thể để sinh sống và tự vệ sinh tồn. Tiền nhân xưa qua quan sát sinh hoạt thường nhật của các loài vật đã nhận thức và chiêm nghiệm sức mạnh của các loại dã thú như hổ, báo, miêu, ưng, sư, viên, hầu, long, xà, mã, tượng, kê … từ đó rút tỉa những tinh hoa, sáng tạo thành quyền thế đem ra vận dụng những thuật đó, khi cùng nhau tranh đấu đã khám phá ra một điều kỳ thú là hiệu quả của nó thật đắc dụng. Từ đó, các bậc tiền nhân để tâm nghiên cứu và phóng tác phép chiến đấu theo động thái sinh hoạt của các loài cầm thú và sáng chế thành các bộ tay là tiền thân của các môn long quyền, hổ quyền, ưng quyền, hầu quyền, … sau này. Và lấy đó làm phương pháp luyện tập, rèn luyện căn bản.

Trong võ thuật cổ truyền, việc luyện thủ pháp là những yếu tố căn bản đầu tiên mà những người mới bắt đầu học võ đều phải luyện tập một cách thường xuyên cùng bộ pháp, cước pháp và gọi đó là tam pháp nhập môn. Các môn phái, dòng võ, hệ phái võ thuật cổ truyền, bất cứ là dòng nào, đẳng cấp nào cũng không thể bỏ qua quá trình luyện tập thủ pháp và họ tiếp tục rèn luyện thủ pháp trong suốt quá trình tập luyện của mình, cá biệt còn có người chuyên luyện riêng biệt một vài bộ tay theo phương pháp đặc biệt và trở nên điêu luyện, chính những kỳ tích này người ta thường gọi đó là công phu.

3. Mục đích của việc rèn luyện thủ pháp.

Trong võ thuật cổ truyền việc rèn luyện thủ pháp tạo ra cho người tập có đôi tay khỏe mạnh, gân bắp dẻo dai, tạo sự rắn chắc, tăng cường sức chịu đựng và phát triển được sự linh hoạt khéo léo cho đôi tay, có rất nhiều phương pháp luyện tập, sự luyện tập này rất cần thiết để có được một kỹ thuật tốt từ đó mới có thể sử dụng đôi tay một cách lanh lẹ, thích ứng với sự biến hóa đa dạng của quyền thức được. Hơn nữa rèn luyện phát triển tốt đôi tay ngoài việc phát triển tốt kỹ thuật công phòng tự vệ cho bản thân nó còn giúp ích cho con người ta rất nhiều trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Còn gì hơn khi một con người khỏe mạnh, mẫn tuệ lại có một đôi tay mạnh mẽ, khéo léo.

Trong võ thuật cổ truyền đôi tay rất quan trọng, nó giúp chúng ta thực hiện các đòn thế nhanh chóng, mạnh mẽ. Công thì chém ngang phạt dọc, đâm thẳng, bổ xuống thì mạnh như sấm sét, mạnh tựa thiên lôi, thủ thì linh hoạt di chuyển bảo vệ chân thân kín như tường đồng vách sắt. Muốn được như vậy thì các vũ khí của đôi tay như xương ngón tay, đầu ngón tay, lưng bàn tay, lòng bàn tay, cạnh bàn tay, sống bàn tay, cườm tay, cùi chỏ đều phải rèn luyện đạt đến mức tuyệt hảo, bình thường thì mềm mại như bông gòn, khi xuất đòn thì cứng như sắt thép, đó là thủ pháp vậy. Nhưng phải làm thế nào để đạt được đến mức vi diệu như vậy “Phải luyện tập, chỉ có luyện tập thuần thục, luyện tập theo đúng phương pháp, từ giai đoạn căn bản đến cao thâm, từ lý thuyết đến thực hành”.

Bởi : Học mà không thực hành thì chỉ là lý thuyết suông

Thực hành mà không có lý thuyết thì chỉ là thực hành mù quáng.

Để làm sáng rõ điền này chúng ta hãy tìm hiểu kỹ về thủ pháp, phương pháp rèn luyện và ứng dụng trong võ thuật cổ truyền.

4. Nguyên tắc chung khi luyện tập thủ pháp.

– Khi luyện tập phải thực hiện đầy đủ các kỹ năng làm nóng người trước khi vào luyện tập chuyên sâu để tránh bị tai nạn không đáng có.

– Luyện tập đều cho cả hai tay trái phải và thay đổi liên tục để các cơ được thư giãn và sự phát triển được cân đối, linh hoạt đồng đều.

– Luyện tập theo đúng quy trình đã được quy định, tuần tự từ dễ đến khó, từ giản đơn đến phức tạp, từ đơn chiêu đến liên chiêu…

– Tập luyện vừa phải với lượng sức khỏe của mình theo quy trình tập luyện.

– Kiểm tra kỹ càng các dụng cụ phục vụ luyện tập như găng tay, bao, trụ (nếu có sử dụng) để tránh tai nạn do dụng cụ gây ra.

– Chỉ tập luyện những gì mình thực sự hiểu biết, tập luyện thường xuyên để có thể thu được kết quả tốt cho bản thân, tránh tập những gì mình không hiểu biết, không tập luyện hời hợt, tập lấy lệ vì như vậy ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và sự tư duy của bản thân, hại nhiều hơn lợi vì tư tưởng sẽ bị thiên lệch.

Filed in: Hệ thống Kỹ thuật, Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.