Thủ hình, thủ pháp căn bản trong Võ Lâm Phật Gia Việt Nam – phần 2

5. Sơ đồ “Sự hình thành phát triển Thủ Pháp” trong Võ Lâm Phật Gia Việt Nam

 Sơ đồ “Sự hình thành phát triển Thủ Pháp” Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam

6. Sơ đồ “Các nguyên lý căn bản dùng trong Võ thuật”

nguyen-ly-can-ban

 

 

7. Nguyên lý âm dương trong Võ thuật Cổ truyền.

Nguyên:

Dịch hữu thái cực

Thị sinh lưỡng nghi

Lưỡng nghi sinh tứ tượng

Tứ tượng sinh bát quái

 

Nghĩa:

Thái cực là vũ trụ

Lưỡng nghi là âm dương

Tứ tượng đất, nước, lửa, khí

Bát quái là tám hướng

 

Nguyên lý của mọi sự hóa sinh trong vũ trụ là nguyên lý độc nhất: “Tư hữu, hằng hữu, vô thủy, vô chung” mà ta gọi là “Thái cực”. Do lý Thái cực ấy sinh ra hai thể tương phản giao nhau mà ta gọi là âm dương từ đó tạo thành bốn hiện tượng: Thái dương – Thái âm – Thiếu dương – Thiếu âm. Bốn hiện tượng ấy lại giao nhau mà sinh ra tám thể gọi là Bát quái gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Thái cực chỉ có một động một tĩnh mà phân ra âm dương nhị khí, âm dương có tính tương khắc mà lại tương hóa, khi dương động thì âm tĩnh, âm tĩnh thì tích tụ. Bởi vậy mà âm dương sinh ra ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

 

8. Nguyên lý âm dương áp dụng trong Võ pháp.

Chúng ta nhìn thấy mỗi bước đi của con người, động tác tay chân luôn luôn có sự tương phản. Ví dụ chân phải bước tới trước thì chân trái ở sau và ngược lại, đồng lúc tay trái ra trước thì tay phải ở sau và ngược lại, không bao giờ có sự trùng lặp tay trái và chân trái cùng đưa ra phía trước một lúc, tại sao lại như vậy. Đó là lưỡng nghi (âm – dương) tương phản nhau, để hóa sinh tạo thế cân bằng cho cơ thể.

Trong võ học cũng vậy, mỗi một động tác, một thế, một đòn đều xuất hiện âm dương tương phản.

– Ví dụ 1: muốn tạo được một quả đấm có sức mạnh: tay phải dùng lực đấm thẳng (tay sấp) thì tay trái rút về sâu để ngang thắt lưng (tay ngửa), với mục đích tạo thế cân bằng cho cơ thể và tạo xung lực cho đòn đánh.

– Ví dụ 2: Khi muốn chặt ngang mạnh vào đối phương chỉ có cách duy nhất là dùng lực cẳng tay và bàn tay ngửa (dương). Bàn tay đao ngửa mới chặt được mạnh, không bao giờ dùng bàn tay úp (âm) (Bàn tay đao úp) mà chặt mạnh được. Đó chính là cách áp dụng “đòn thế” trong phương pháp âm dương.

Chúng ta đều hiểu rằng ngày và đêm đều là do vòng quay của quả đất trong thái dương hệ, ngày là dương, đêm là âm, gần hết ngày thì sắp đến đêm, gần hết đêm thì sắp đến ngày. Như vậy thiếu âm thì lợi dương, trái lại thiếu dương thì lợi âm, áp dụng nguyên lý này vào võ học trong cách sử dụng phần di chuyển kỹ thuật giao đấu cũng vậy.

Ví dụ chân trái đưa tới trước hướng về Bắc thì chân phải ở phía sau hướng về Nam, vậy hướng Đông ở trước mặt và hướng Tây ở sau lưng. Khi ta di chuyển vòng chân trái về hướng trước mặt (hướng Dương) (+), co ép ở hướng Dương, tức là con đường vòng của hướng âm (-) mở rộng. Như vậy tất cả các đòn thế tung ra ở hướng Tây (-) hướng Âm rất lợi, đặc biệt thế đánh xoay lưng, ngược lại nếu chân trái đưa nghiêng về hướng Âm thì sử dụng các đòn thế về hướng Dương rất thuận lợi. Đó là nguyên tắc tiêu biểu khi sử dụng kỹ thuật trong tập luyện và thi đấu theo phương pháp thiếu âm – lợi dương và ngược lại thiếu dương – lợi âm.

Trong võ học cổ truyền phương Đông, nguyên lý âm dương rất quan trọng, người võ sư biết áp dụng và sử dụng một cách khéo léo, linh hoạt để tấn công và phòng thủ tạo ra cho mình thế lợi nhất. Trong VTCTVN có hai câu thơ và cũng là hai nguyên lý cơ bản trong võ học

 

Song thủ ngũ hành vi bản

Lưỡng túc bát quái vi căn

 

Nghĩa là: Luyện đôi tay phải theo phép ngũ hành làm gốc, luyện đôi chân phải theo phép bát quái làm cội rễ.

Cổ nhân xưa nói rằng: Học võ không phải để biết ngọn cước, thế đá hay để thuộc một vài bài quyền là đủ mà mục đích của võ học là phải tập luyện thường xuyên, khắc khổ tập luyện kiên trì tập luyện và đặc biệt là tập đúng phương pháp, tập theo sự chỉ dạy của chân sư. Quá trình tập luyện là quá trình tiêu hao đồng thời tích tụ nhằm đạt đến tăng cường sức khỏe thể lực cường tráng, con người ta có khỏe mạnh thì tinh thần mới minh mẫn, tinh thần minh mẫn mới xử lý kịp thời mọi tình huống xảy đến, thân thể tráng kiện mới đủ sức tung ra những đòn thế sắc bén. Học để biết, biết để luyện, luyện để dùng. Dùng vào việc hữu ích vệ quốc cứu nguy khi nguy nan, giúp người cô thế yếu đuối chứ không dùng võ vào việc hiếp đáp người khác hay làm những việc càn quấy, kẻ không giữ đạo trời tất có ngày phải trả giá cho sự ngông cuồng xuẩn động của mình. Do đó rất coi trọng võ đức. “Luyện võ đức vi tiên”, người luyện võ phái lấy đức làm đầu trước khi luyện võ, do đó bậc chân sư rất cẩn trọng trong việc lựa người truyền nghệ.

Đối với người học võ “Đôi chân và Bộ tay” là vũ khí chủ lực để đánh trả đối phương, vũ khí ấy tất nhiên là phải luyện tập thường xuyên “Văn ôn võ luyện”, có phương pháp cơ bản dựa vào sự hóa sinh của nguyên lý âm dương đó là:

Tấn pháp trọng bát quái, thủ pháp trọng ngũ hành

Luyện được thuần thục hai phương pháp này là tạo được cơ sở tốt để phát triển tay chân (lưỡng chi) vì trong tấn pháp bát quái và thủ pháp ngũ hành có sự cấu tạo cả hai phương diện ngoại công và nội công.

– Tập ngoại công là tập thao tác của từng thế võ

          – Tập nội công là tập cách phối hợp, điều hơi, vận khí, nhuyễn cơ khớp, tăng cơ lực để tạo sức mạnh từ bên trong cơ thể. Phương pháp tập nội công của bộ chân là “Trung bình tấn – Hổ tấn”, phương pháp tập nội công của bộ tay chính là “Kinh cân” 

 

Filed in: Hệ thống Kỹ thuật, Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 9470 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.