9. Những điều cần biết trong Võ thuật Cổ truyền.
Trong võ thuật cổ truyền thì quyền thảo (các bài quyền hoặc khí giới) là nền tảng của sự tập luyện.
Định nghĩa: Quyền thảo là một môn thể thao động lực học, là một sự tổng hợp chung: Nhãn, Thủ, Thân, Yêu, Bộ, vận động – Tâm, Thức, Khí, Kình, Thần, đúc kết thành những chiêu thế, đòn thế liên tục nhằm phát triển bản năng phản xạ của người tập trong lúc chiến đấu với những địch thủ tưởng tượng theo những phương hướng nhất định.
Để hiểu rõ thế nào là một bài quyền cũng như mục đích và công dụng của bài quyền (quyền thảo), nền tảng của võ thuật cổ truyền, trước hết ta phải hiểu được các nguyên lý cơ bản của võ thuật cổ truyền. Bởi từ những nguyên lý cơ bản này mà làm thành nền tảng của võ thuật cổ truyền.
10. Nguyên lý căn bản của Thủ pháp trong Võ thuật Cổ truyền.
10.1 Ngũ hành pháp.
Người xưa có nói : “ Chơi nhạc mà không biết nhạc lý ấy là nhạc mò, làm thầy thuốc mà không biết y lý là thầy lang, người võ sư mà không hiểu võ pháp sẽ thành võ biền mà võ biền với võ phu không cách nhau xa lắm, cho nên tập võ mà không nắm vững võ pháp thì chẳng giúp gì cho bản thân, còn nói chi đến việc dạy dỗ hướng đạo cho người khác, người võ sư không hiểu võ pháp có khác chi người mù đi trên bờ vực thẳm, xểnh chân là rơi xuống vực chết mất mạng còn nói chi đến việc truyền đạo cho hậu thế.
Trong võ thuật cổ truyền cấu tạo một buổi luyện võ gồm 3 phần :
Thứ nhất là phần khởi động: Người tập sẽ phải khởi động toàn thân 10-15 phút để khí huyết lưu thông, điều hòa kinh mạch.
Thứ hai là phần trọng động: Người môn sinh bắt đầu tập nội và ngoại công theo hệ thống huấn luyện đã được võ sư, dòng phái quy định. Tập ngoại công là tập các động tác của bài tập, tập nội công là tập cách luyện phối hợp điều hòa, luyện khí, nhuyền cơ khớp và tăng sức cơ thể, để tạo sức mạnh xuất phát bên trong cơ thể. Tập nội công trong bộ tay là “Kinh cân” thuộc phần chi trên, tập nội công cho bộ chân là “trung bình tấn”, “Hổ tấn” thuộc thành phần chi dưới. Đối với người tập võ thuật cổ truyền đôi tay và đôi chân chính là vũ khí chính yếu để chống trả đối phương. Vũ khí ấy tất phải thuần thục, điêu luyện. Muốn được như vậy người tập võ thuật cổ truyền phải tinh thông những cơ bản về ngũ hành pháp và tấn pháp bởi 2 phương pháp này là sự khởi đầu cơ bản cho sự phát triển cường lực tứ chi và bản năng cơ thể.
Thứ ba là phần hồi tỉnh: môn sinh sẽ tập những động tác thư giãn, thả lỏng các cơ bắp để cơ thể dần dần trở lại trạng thái bình thường, phòng tránh những chứng bệnh hậu họa do luyện tập căng thẳng trong thời kỳ trọng động đưa lại, do đó nó còn có tên gọi là “thư công” – công pháp thư giãn để gìn giữ công phu mà ta đã thu được sau khi tập luyện.
10.2 Chi tiết của ngũ hành pháp.
Chi tiết của ngũ hành cơ bản để tập luyện thủ pháp (bộ tay) trong võ thuật cổ truyền Việt Nam được đặt trên nền tảng “ngũ hành pháp”.
Ngũ hành pháp là phương pháp tập luyện bộ tay theo phép quy định: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ bao gồm nhiều động tác khác nhau thể hiện nét độc đáo của từng bộ riêng biệt nhưng có cùng một tác dụng là làm cho người tập dễ dàng tiếp thu, từ những phần luyện được trong ngũ hành sẽ tạo sự chuẩn mực cho các thế phát sinh sau này.
Nguyên tắc căn bản đó trong võ học chân kinh có nói rõ :
Kim xuyên – Mộc đánh phạt ngang
Hỏa thăng – Thủy giáng – Thổ loan tay tròn.
– Kim : tượng quả đấm (mạnh mẽ) : kim xuyên : chỉ tính chất kim loại xuyên qua tất cả các vật.
– Mộc : tượng tay đao (độ nguy hiểm) : mộc phạt : chỉ tính chất cây cối, luôn lan tỏa theo chiều ngang.
– Hỏa : tượng cùi chỏ (độ khốc liệt) : hỏa thăng : chỉ tính chất của lửa là luôn bốc lên.
– Thủy : tượng thủ chỉ (độ hiểm độc) : thủy giáng : chỉ tính chất của nước là luôn giáng xuống.
– Thổ : tượng tay chưởng (hóa giải, cầm giữ) : thổ loan : chỉ tính chất của thổ là trung ương của ngũ hành, các động tác tay xoay tay tròn, thuộc thổ hóa giải các đòn thế…
Ngũ hành pháp là một phương pháp tập luyện bộ tay để giữ phép công thủ hoàn chỉnh, di chuyển tránh né đòn đánh và triệt tiêu lẫn nhau, quá trình di chuyển đó là “sinh”, “khắc”.
Quy luật di chuyển của ngũ hành là :
Kim khắc mộc – Mộc khắc thổ – Thổ khắc thủy – Thủy khắc hỏa – Hỏa khắc kim.
Đường thẳng biểu thị đường khắc.
Đường cong biểu thị đường sinh.
Các đường thẳng hình thành ngôi sao năm cánh là biểu hiện đường di chuyển né tránh, chống đỡ, tiêu diệt lẫn nhau. Các đường cong là đường “sinh” bao quanh ngôi sao 5 cánh thành hình tròn. Ví dụ : Khi mà kim khắc mộc thì mộc tìm mọi cách né tránh nó đi, di chuyển qua thủy để rồi tìm thế tấn công. Tâm của ngôi sao năm cánh là tượng trưng “kinh cân” là phương pháp luyện tập nội công của bộ tay.
Đồ hình Sinh – Khắc của Ngũ Hành
– Tương sinh biểu thị là mũi tên vòng tròn ngoài
– Tương khắc biểu thị là đường mũi tên thẳng
Bảng quy nạp tính chất cơ bản ngũ hành của thủ pháp trong võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Hành |
Tượng hình |
Tính chất tự nhiên |
Phương vị của đòn |
Công dụng |
Biểu tượng |
Kim | Tay quyền | Kim loại, xuyên qua mọi vật | Đánh thẳng | Đánh xuyên qua, phá vỡ | Độ cứng rắn mạnh mẽ, cương dương dễ nhận biết |
Mộc | Tay đao | Cây cối lan tỏa theo chiều ngang | Chém ngang | Đánh phạt ngang, chem. đỡ … | Độ nguy hiểm, biến hóa khó lường |
Thủy | Tay chỉ | Nước từ trên trời giáng xuống | Chặn xuống | Đánh từ trên chặn xuống, đâm, chọc, xỉa … | Độ âm nhu, hiểm độc, luôn thay đổi |
Hỏa | Tay chỏ | Lửa từ dưới bốc lên | Hất lên | Đánh hất lên, đánh từ dưới lên | Độ cương mãnh khốc liệt, dữ dội |
Thổ | Tay chưởng | Trung tâm của ngũ hành, tàng trữ | Xoay tròn | Gạt đỡ, đẩy thẳng, hoa quyền | Nhu hòa, cầm giữ, nắm bắt, hóa giải, tấn công theo vòng xoay |
Trong võ thuật cổ truyền thủ pháp (bộ tay) chiếm vị trí rất quan trọng, đòn tay làm chủ thể, đòn tay thật nguy hiểm, khi nắm lại là quyền, xòe ra là chưởng, công thì chém ngang, phạt dọc, đâm thẳng, bổ xuống mạnh như sấm sét, mạnh tựa Thiên Lôi, thủ thì linh hoạt di chuyển bảo vệ chân thân vững chắc như tường đồng vách sắt. Đòn tay luôn ẩn chứa 2 chức năng song hành đó là phòng thủ và tấn công, các đòn tay thay đổi liên tục, né tránh “khắc” thì phát triển “sinh” tùy theo tính chất, phương vị, mục đích của đòn mà thực hiện. Bộ tay trong võ thuật cổ truyền được tính từ bả vai đến đầu ngón tay được phân làm tam tiết (đoạn): kiên (vai), khủy tay (chỏ), bàn tay. Trong đó bàn tay là ngọn, khủy tay là giữa và vai là gốc. Vận động võ thuật là một thứ vận động chỉnh thể mỗi động tác đều không thể xa lìa toàn thân và sự phối hợp điêu luyện các bộ phận đó. Quá trình vận động của nó không ngoài “nổi” (bắt đầu), “theo”, “đuổi” nghĩa là “đốt ngọn nổi, đốt giữa theo, đốt gốc đuổi”. Vậy là động tác của các đốt phải chú trọng “cần nổi nổi đi, cần theo theo sái,cần đuổi đuổi tới”. Trên nâng, dưới tụ, giữa thúc luyện, động tĩnh hít thở một hơi liền, thân, tâm vừa động chân tay nối, tam tiết hợp nhất, có như vậy kình lực mới có thể thuận đạt được hiệu quả, mới có thể biểu hiện được phong cách vận động tam tiết đặc sắc của võ thuật.
Trong võ thuật cổ truyền có Nhị thập đại hình (20 thủ hình chính) và 20 thủ hình chính này lại được sắp xếp thành 6 bộ tay (gọi là lục bộ thủ pháp). Trong mỗi bộ tay đều bao gồm đầy đủ tính chất ngũ hành, nguyên lý âm dương cùng với 2 chức năng chính là tấn công và phòng thủ.