Nhận định về võ thuật cổ truyền Việt Nam – phần 2

3. Đặc trưng tính chất của võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Do hoàn cảnh địa lý ở sát các nước có nền văn hóa lớn nên Việt Nam chịu ảnh hưởng, giao thoa giữa các nền văn hóa Ấn, Trung, các nước láng giếng Lào, Thái, Campuchia, võ học Việt Nam đã tiếp thu những tinh hoa từ những nền văn hóa hội nhập, phát triển thành võ học dân tộc Việt Nam. Một nền võ học vô cùng phong phú, được hình thành từ nền tảng triết học phương Đông, sự quy hợp tam giáo Phật, Khổng, Lão cùng cơ sở lý luận y học, … Võ học Việt Nam đã được hình thành từ các nền võ học cơ bản : Võ lâm, võ kinh, võ vườn, võ nghệ. Tất cả dung hợp tạo thành tâm đạo, đỉnh cao của võ học, thể hiện cái tâm, hay cái đức của người học võ mà người ta thường gọi là võ đạo hay võ đức.

Đất nước ta là một nước có đến 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, tất cả đã phát triển thành một nền văn hóa đa vùng miền, mỗi vùng miền lại có những sắc thái nổi bật, đó là vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ… Từ những văn hóa vùng miền này đã giao thoa với các nền văn hóa lớn đã nói ở trên, nảy sinh ra các nền võ thuật, các dòng võ khác nhau, tất cả sự khác biệt này đã tổng hợp, giao thoa, hòa quyện vào nhau thành văn hóa Việt Nam và võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng nằm trong sự phát triển đó.

Do hoàn cảnh địa lý  và lịch sử thường xuyên phải chống trả ngoại xâm, chống lại kẻ địch lớn mạnh nên võ thuật cổ truyền Việt Nam có những đặc trưng, tính chất riêng biệt mà các môn võ, dòng võ khác ít thấy.

  • Về hình thức : võ thuật cổ truyền Việt Nam nặng về hình thức chiến đấu, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết chiến thắng ngoại xâm, là một yêu cầu thường trực trong lịch sử của dân tộc nên đã đặt võ thuật cổ truyền Việt Nam vào một quá trình diễn hóa thường xuyên và đem tới các kỹ thuật chiến đấu khác nhau. So với nền võ thuật của các dân tộc khác chỉ phải đối đầu với các thế lực thiên nhiên, nền võ thuật cổ truyền việt Nam đã có một quá trình diễn hóa, phát triển vô cùng gay gắt và hiệu quả.
  • Về tinh thần : võ thuật cổ truyển Việt Nam thể hiện ý chí sắt đá về đại nghĩa, một tấm lòng yêu nước sâu sắc, một tinh thần thượng võ, người luyện võ không theo đuổi danh vọng cho bản thân, mà mong muốn đạt tới một bản lĩnh đủ đóng góp và bảo vệ an toàn cho đất nước khi bị lâm nguy. Đó là truyền thống bất khuất đã thể hiện đầy đủ trong lời nói của Nguyễn Trung Trực : “Bao giờ nước Nam hết cỏ mới hết người Nam đánh giặc”.

Lấy đại nghĩa để thắng hùng tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo

(Trích Bình ngô đại cao).

  • Về tính chất : đây là một phương diện khá lớn để chúng ta nhận định về ý nghĩa của võ thuật cổ truyền đối với chúng ta, để có thể tự hào về truyền thống dân tộc và có phương hướng phát triển nền văn hóa giáo dục thể chất của dân tộc phát triển ở tầm vĩ mô thời đại. Về mặt tính chất của võ thuật cổ truyền có 4 tính chất nổi bật, đó là : tính chất lịch sử, tính chất dân tộc, tính cổ truyền, tính giáo dục toàn diện.

  a) Tính lịch sử.

Điều tự hào của chúng ta khi nói đến lịch sử mấy nghìn năm của mình là tinh thần chiến đấu kiên cường và những chiến công oanh liệt của tiền nhân. Một đất nước phải chiến đấu liên miên như thế để giữ nước dù không biết dưới hình thức gì, nhưng với binh khí thô sơ ngày xưa, dùng sức người là chính thì chắc chắn phải có một nền võ học phát triển rất lớn, có thể trước cả sự ra đời của văn hóa như thế võ thuật đã trở thành một thứ khí giới mà khi lịch sử càng khó khăn thì nó càng được mài rũa sắc bén.

Hơn nữa kẻ thù trước đây thường từ phương Bắc tới như Trung Quốc, Mông Cổ, là những lực lượng xâm lược rất lớn mạnh, là những nơi có nền võ thuật rất phát triển, thế mà tổ tiên ta vẫn chiến thắng, điều đó minh chứng giá trị của võ thuật cổ truyền nước ta. Các nhà viết sử ở từng thời đại đều có ghi sự phát triển của võ thuật đi liền với văn học. Đây là một điều tất nhiên vì võ học có đủ các khóa thi do triều đình tổ chức như văn học.

b) Tính dân tộc.

Như đã biết dù bị ảnh hưởng giao thoa của các nền văn hóa, võ thuật của các nước lân bang, võ thuật cổ truyền nước ta vẫn có bản sắc dân tộc tính của người Việt Nam, điều đó được thể hiện rõ là trong khi võ thiếu lâm rất cứng chắc, gạt đỡ trực tiếp vào đòn, tốn nhiều sức lực thì trái lại võ thuật cổ truyền của ta lại chủ yếu thiên về tránh né, nhường, lanh lẹ, linh hoạt với nguyên lý “Dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường” (lấy mềm dẻo thắng mạnh mẽ, lấy ngắn thắng dài) với yêu cầu đạt mức thần tốc trong mọi động tác, lợi dụng sơ hở của đối phương, chớp nhoáng, phản đòn bất ngờ và nguy hiểm. Đặc điểm này phù hợp với người nước ta thường nhỏ hơn người phương Bắc, lại ở thế bị áp bức, đồng thời cũng phản ảnh được tinh thần của dân tộc là “quyền biến”, “mưu lược”, “lý trí”.

Nguyên lý này được hình thành từ thực tế địa lý lịch sử của dân tộc ta, đất hẹp, người thưa, so với những kẻ thù có tham vọng xâm lược lại ở thế mạnh hơn rất nhiều nên không thể vẫn dụng cùng một phương cách. Nguyên lý “Dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường” tức là tìm tòi, phát hiện những cung cách của địch trong điều kiện phù hợp hoàn toàn với tố chất, tầm vóc của mình. Tính chất này thể hiện rất rõ nét trong những đòn thế áp sát, luồn lách, né tránh, chớp nhoáng của võ thuật cổ truyền.

Điều này cũng thể hiện ở cách dùng binh như thời Trần Hưng Đạo chống quân Mông Cổ, hay vua Quang Trung đánh quân Thanh, trước hết thối lui để nhường sức mạnh của địch trong hung hãn, sau đó thừa thế đánh quỵ, do đó, học võ cổ truyền cũng là một cách học lịch sử, đồng thời học cả dân tộc tính. Có học võ cổ truyền chúng ta mới có dịp cảm khái khi lập một ngón đòn rất đơn giản nhưng lại rất hiệu nghiệm mà nghĩ đến tiền nhân khi xưa sao lại khôn khéo đến thế. Nhiều đòn thế, chiêu thức của võ thuật cổ truyền có khi còn hiểm hóc hơn cả võ Tàu và hiếm thấy có ở các môn võ khác.

c) Tính cổ truyền.

Nói điều này vì đó là giá trị lớn của võ thuật cổ truyền, so với các môn võ khác có nguồn gốc từ Á Đông được thi đấu ở Olympic. Môn judo ra đời năm 1882, môn karate và Taekwondo còn ra đời muộn hơn thế. Tất nhiên các môn này cũng được kế thừa từ các môn võ cổ truyền hơn có từ trước đó, nhưng cũng không thể so sánh với võ thuật cổ truyền nước ta về mặt lâu đời cũng như thử thách thời gian.

Cũng vì tính cổ truyền đó mà võ thuật cổ truyền nước ta rất phong phú , tuy chưa có được sự nghiên cứu và sưu tập toàn bộ nhưng những bài võ được ghi nhận là võ ta vì trải qua nhiều đời nên số lượng rất phong phú và phát triển đồng bộ cả về quyền thuật lẫn binh khí. Về vũ khí, ngoài thập bát ban võ nghệ như của Tàu, võ ta còn có những môn đặc biệt như bút chì, bút sắt, thiết lĩnh dao đôi , đặc biệt là môn đánh roi trung bình tiên – 1 vũ khí mang đầy tính dân tộc. Trong thời pháp thuộc nổi tiếng với phong trào tầm vông vạt nhọn vừa làm roi vừa làm giáo, cây gậy tầm vông tuy tầm thường nhưng với nghệ thuật sử dụng độc đáo của võ thuật cổ truyền đã làm cho quân xâm lược có vũ khí tối tân hơn phải kinh hoàng, khiếp sợ. Tổng hợp các điều trên cho thấy giá trị của võ cổ truyền. Đó là một chứng nhân lịch sử lâu đời nhất của lịch sử dân tộc, một nền văn hóa thứ hai mang lại bản sắc dân tộc và đáng nói nó là một thứ gia bảo lâu đời của tiền nhân để lại.

Nhìn ra các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản, ta thấy được ở các nước này từ lâu họ đã đưa võ thuật cổ truyền của họ trở thành một thứ quốc kỷ được bảo tồn và phát triển rất mạnh, được đưa vào giáo dục thể chất trong ngành giáo dục, thi đấu thể thao và các ban ngành an ninh vũ trang khác. Chẳng những phát triển trong nước mà còn phát triển ra khắp thế giới, trở thành môn võ quốc tế. Võ thuật Trung Quốc và các môn võ Nhật Bản như judo, karatedo từ đầu thế kỷ XX đã được coi là môn giáo dục thể chất và tinh thần được truyền dạy cho học sinh từ cấp 1 lên tới đại học. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn và có các giải thi đấu lớn định kỳ để gây phong trào và được chính quyền đặc biệt quan tâm, hỗ trợ cho nên hoạt động rất mạnh.

Ở nước ta, võ thuật cổ truyền chưa được nhìn nhận đúng mức, mặc dù liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập đã tập hợp và xây dựng được một hệ thống huấn luyện, thi đấu theo luật định, từng bước kiện toàn về cơ cấu tổ chức, thu thập, nghiên cứu, xây dựng được một giáo trình quốc gia, tổ chức được khá nhiều giải thi đấu, được đông đảo bạn bè quốc tế tham gia và ủng hộ, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như sự nhìn nhận, đánh giá chưa đúng mức của các cấp lãnh đạo, chính quyền, sự đầu tư manh mún, bắt cóc bỏ đĩa của ngành văn hóa thể thao, do sự quan liêu của các đoàn thể chính quyền, sự lãnh đạo chuyên môn mang tính cục bộ địa phương, nên chưa tập hợp được nhiều nhân sĩ, võ gia cùng sự đóng góp, ủng hộ của các đoàn thể, tổ chức xã hội nên sự phát triển mang tính giai đoạn, không đồng bộ dẫn đến việc khó phát triển ở tầm vĩ mô. Điều này cần phải thay đổi cách nhận định và triệt để thi hành, mới có thể đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam thành bộ môn giáo dục thể chất và trở thành quốc kỉ của nước nhà.

d) Tính giáo dục toàn diện.

Giáo dục có vai trò rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của con người. Một con người sinh ra và lớn lên chịu sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ ra sao nếu con người đó thiếu đi sự giáo dục? Từ xa xưa đã có câu : “Văn dĩ tải đạo, võ dĩ thành nhân” (có nghĩa là dùng văn để giảng dạy, để truyền tải đạo lý, dùng võ để rèn luyện con người), câu nói này chứng tỏ, ngoài văn ra thì võ cũng có vai trò rất quan trọng đối với giáo dục. “Văn võ song toàn” là như vậy. Vừa đạt được trình độ tri thức cao, vừa có được thể chất mạnh khỏe, trí tuệ minh mẫn, thử hỏi có một con người nào không mong muốn được như vậy.

Ngày nay, không chỉ riêng ở nước ta, mà hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, võ thuật là một môn thể dục thể thao hấp dẫn rất đông người luyện tập, bởi ngoài việc rèn luyện thể chất, võ thuật còn có tác dụng rèn luyện tinh thần, học võ thuật tạo được đức tính tự tin, kiên nhẫn và tự chủ, tính đoàn kết đồng đội, sẵn sàng cứu giúp người khác trong nguy khó.

Võ thuật cổ truyền là môn thể dục thể thao toàn diện bởi nó hội đủ 4 yếu tố của thời đại.

–         Về giáo dục : có tác dụng rèn luyện cho con người có ý chí, tinh thần tập thể, kỉ luật cao, rèn luyện đức tính cảm hóa được người.

–         Về võ lực : có tác dụng làm mạnh gân cốt, bảo vệ thân thể.

–         Về y thuật : có tác dụng vận động huyết nhục, mài luyện gân cốt, điều hòa hô hấp có vệ sinh.

–         Về thẩm mỹ : có tác dụng làm đẹp hình thể.

Nói đến tính giáo dục toàn diện của võ thuật cổ truyền, tất không thể không nói đến võ đức, vì võ đức chính là linh hồn của võ thuật, đó là một điều đặc biệt của võ thuật cổ truyền mà các môn võ khác của tây phương không có được. Từ xa xưa cổ nhân đã dạy “Học quyền tiên học lễ” (học lễ nghĩa trước khi học quyền thuật) hoặc “luyện võ đức vi tiên” (người luyện võ lấy đức làm đầu).

–         Lễ ở đây là kính thầy, trọng sư môn, cư xử với gia đình, mọi người và xã hội có nhân, có nghĩa, …

–         Lễ ở đây chính là võ đức, võ thuật cổ truyền Việt Nam được đề cao bởi nó có linh hồn, tôn cao võ đức là truyền thống thượng đạo mấy nghìn năm nay của võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Trong kho tàng võ học cổ truyền dân tộc, trong cuốn “Võ học chân kinh” ngoài các câu châm ngôn võ học cùng các kỹ thuật căn bản, quyền thuật và quyền giới ra còn có một bài thơ ngũ ngôn bát cú được mang tên “Giới ước tập võ giả”.

Nguyên văn :

Võ đức dục lương sư

Khổ hằng xuất cao thủ

Tập võ tiên ai đả

Tiếu nhan nghênh nhân khi

Ninh khả ái nhân đả

Tuyệt bất đả tiên nhân

Đặc kỹ tác đãi sự

Cô phụ tiên sư tâm.

 

Đây chính là giới ước quy định cách hành xử của người tập võ.

Tạm giải nghĩa như sau :

– Câu một : “Võ đức dục lương sư có nghĩa”

Người thầy võ lương thiện sẽ có đạo đức, người thầy có đạo đức sẽ luôn có hướng giáo dục học trò thành người lương thiện, có đạo đức.

– Câu hai : “Khổ hằng xuất cao thủ”

Chỉ rõ nếu người luyện võ chịu khó, chịu khổ, thường xuyên rèn luyện theo đúng điều thầy chỉ dạy sẽ trở thành người có tài cao trong võ thuật (cao thủ).

– Câu ba :  “Tập võ tiên ai đả”

Người tập võ từ khi mới bắt đầu cho đến khi thực hành, cọ sát thực tế phải chịu những đau đớn thể chất do bị va chạm trong khi giao đấu, câu này nhắc nhở người luyện tập phải nhớ những điều đau đớn phải chịu như vậy để chính là để rèn luyện mình có sức chịu đựng.

– Câu bốn :   “Tiếu nhan nghênh nhân khi”

Có nghĩa là luôn tươi cười vui vẻ đón chào người nhạo báng, khinh thường mình, với lòng quảng đại, mình không chấp những điều nhỏ mọn ở những con người tầm thường. Câu này nhằm giáo dục người luyện võ đức tính tự chủ, nhẫn nại, hành xử có văn hóa.

– Câu 5, câu 6 : “Ninh khả ái nhân đả,

Tuyệt bất đả tiên nhân”

Có nghĩa thà yêu người đánh mình, chứ tuyệt đối không ra tay đánh người trước, dù người đó có lỗi, cố tình gây sự mình cũng nên tình cách hóa giải, vô hiệu hóa họ chứ không nên ra tay đánh họ trước. Hành vi cư xử này chính là đức tính cao đẹp võ đức của người tập võ, nó còn dạy cho người luyện võ cách cư xử có văn hóa, luôn tôn trọng người khác, vì người mà chịu thiệt thòi chứ không giành giật phần hơn về mình.

– Câu 7, 8 : “Đặc kỹ tác đãi sự,

Cô phụ tiên sư tâm”.

Có nghĩa là những kỹ thuật đặc biệt trong võ thuật để dành làm những việc lớn, hữu ích, như hộ quốc, an nguy, cứu giúp người khốn khó trong hoạn nạn, duy trì công lý xã hội chứ không làm những điều nhỏ mọn “quốc cấm nhà chê, xã hội phản đối”, luôn nhớ những điều thầy răn dạy dùng đức hành thiện, không phụ lòng thầy tin tưởng đã bỏ công dạy dỗ.

Để dễ nhớ, xin phổ thành bài thơ sau đây :

Giới ước người tập võ

Võ đức tạo thầy hiền

Khổ luyện thành cao thủ

Tập võ trước bị đánh

Cười vui đón người khinh

Thà yêu người đánh mình

Tuyệt không đánh trước tiên

Nghệ khéo dùng việc lớn

Chớ phụ lòng thầy răn.

        Các phái võ, dòng võ, người tập võ đều lấy đây làm kim chỉ nam hành xử trên đường đời. Ngoài ra, người tập võ còn phải :

Lấy việc tu dưỡng thân tâm làm tôn chỉ

Lấy tự vệ làm đức tin, phản đối việc cậy sức mạnh để hiếp yếu.

Tôn sư trọng đạo phò nguy cứu khốn

Nguyện lập tâm vì trời đất, lập mệnh vì nhân dân, cấm gây chuyện bạo hành.

Như vậy, võ đức bao giờ cũng được đưa lên hàng đầu đúng như khuôn vàng thước ngọc của các nghề nghiệp khác.

Kết luận : do những đặc trưng tính chất trêm của võ thuật cổ truyền, chúng ta nên phát huy tinh thần thượng võ, tinh thần dân tộc, hoằng dương phát triển võ thuật cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là cách rèn luyện thể chất tinh thần con người tốt nhất, duy trì phát triển xã hội văn minh, công bằng, có trật tự giúp cho việc xây dựng tổ quốc Việt Nam thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực và quốc tế.

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.