SỰ LIÊN QUAN GIỮA LÝ LUẬN TRUNG Y VÀ NGUYÊN LÝ KHÍ CÔNG – Bài 2

MỐI QUAN HỆ GIỮA KHÍ CÔNG VỚI HỌC THUYẾT “KHÍ” TRONG TRUNG Y HỌC. (Bài 2)

Lý luận “Khí” là lý luận cơ sở của môn khí công phòng chống bệnh, giữ gìn sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Khái niệm “Khí” trong lý luận khí học bao gồm khí tiên thiên, và khí hậu thiên. Trong đó Nguyên khí thuộc phạm trù khí tiên thiên; Tông khí, khí thủy cốc, khí của dinh vệ, khí của lục phủ ngũ tạng thuộc phàm trù khí hậu thiên.

Khí công - Tâm bình Khí hòa

Nguyên khí là khí sinh ra từ tinh tiên thiên và được tàng trữ ở Mệnh môn của cơ thể. Nguyên khí có một vai trò quan trọng là động lực nguyên thủy của hoạt động sống.

Tông khí là đại khí của giới tự nhiên và tinh khí thu được qua quá trình tiêu hóa thủy cốc của tỳ vị kết hợp thành. Nó có tác dụng thúc đẩy trái tim hành huyết và thúc đẩy phổi phân bố khí. Dinh khí có nguồn gốc từ các chất tinh vi của thủy cốc; nó vận hành trong mạch, có tác dụng sinh hóa huyết dịch, dinh dưỡng khắp cơ thể. Vệ khí có nguồn gốc từ thận dương, phân bố ở bề mặt cơ thể, có tác dụng giữ vững cái dương ở bên trong, đề kháng, bảo vệ bên ngoài. Khí của phủ tạng vốn sinh ra từ nguyên khí của tiên thiên mà phát huy chức năng của các phủ tạng. Cũng dễ nhận thấy, khí của cơ thể đều có công năng riêng, độc đáo của chúng, nhưng quan trọng nhất vẫn là tác dụng của nguyên khí. Nguyên khí là cái gốc của sự sống, cũng là nhân tố khởi động hoạt động của các phủ tạng và khởi động sự phát dục sinh trưởng.

Hàm nghĩa của khí khá rộng, như trên đây đã trình bày. Nói tóm lại có hai nghĩa, một nói về vật chất, một nói về công năng. Sự phát triển và biến hóa của môi trường tự nhiên và sự sinh trưởng của vạn vật trong vũ trụ, đều dựa vạo vận động của khí. Đối với cơ thể con người, khí vừa là cơ sở vật chất của hoạt động sống, vừa là biểu hiện công năng hoạt động sinh lý của các phủ tạng. Như khí trong hô hấp, khí của thủy cốc vv… đều thuộc về vật chất, có vai trò nuôi dưỡng toàn thân; còn nguyên khí, tông khí, vệ khí, khí của lục phủ ngũ tạng vv… đều là biểu hiện công năng của cơ thể.

Tình trạng thịnh suy của nguyên khí giữ vai trò quyết định tình trạng sức khỏe con người. Nguyên khí có sung túc thì khí của hậu thiên mới được hỗ trợ, từ đó phủ tạng mới điều hòa, thân tâm mới mạnh khỏe. Nếu tiên thiên thiếu hụt hoặc do nguyên nhân hậu thiên làm thương tổn đến nguyên khí thì hậu thiên sẽ bị mất nguồn hỗ trợ mà suy kiệt rồi dẫn đến bệnh tật. Nguyên khí nhờ tam tiêu truyền khắp cơ thể, nhờ vào khí hóa mà phát huy tác dụng sinh lý của chúng. Khí hóa tức là quá trình vận động chuyển hóa của khí. Y học Trung y cho rằng nơi diễn ra khí hóa là tam tiêu. Tam tiêu có vị trí của nó, cũng có phủ tạng của nó.

Công năng và phủ tạng của Tam tiêu có thể giới thiệu khái quát như sau: Tâm, Phế là cái chủ yếu của thượng tiêu, công năng chủ yếu là nạp, có tác dụng tuyên phát tinh khí, trải khắp cơ thể; Tỳ, Vị là cái chủ yếu của trung tiêu, công năng chủ yếu là có vai trò ủ chín thủy cốc, sinh hóa khí huyết. Thận là cái chủ yếu của hạ tiêu, công năng chủ yếu là bài tiết, giữ vai trò phân rõ thanh đục, thông điều thủy đạo. Thủy cốc nạp vào tỳ vị, trải qua khí hóa sinh thành khí tinh vi, rót vào phổi, từ phổi tản đi trăm mạch, thông qua tim, khí tinh vi chuyển vận đến lục phủ ngũ tạng, tứ chi, bách cốt để duy trì các hoạt động sinh lý của cơ thể. Đó là quá trình chuyển hóa lẫn nhau giữa các loại vật chất, có sự tham dự của các loại khí với công năng của chúng, dưới tác động chủ đạo của nguyên khí.

Trang tử viết:

“Sự sống của con người do khí tụ mà có, quá trình tụ là sự sống, quá trình tản là cái chết (nhân chi sinh, khí chi tụ dã, tụ tắc vi sinh, tản tắc vi tử)”.

Lại nói:

“Cái thông khắp thiên hạ là nhất khí vậy”.

Xét trên một phương diện nào đó, khí công chính là phương pháp phù chính, khử tà, các tác dụng phòng bệnh bồi bổ sức khỏe phần lớn đều thực hiện bằng cách bồi bổ nguyên khí trong cơ thể. Về ý nghĩa quan trọng của nguyên khí, nhiều tác phẩm y học của các thời đại đều trình bày khá tinh tế.

“Tố vấn – Bình nhiệt bệnh luận” chỉ rõ :

“Chỗ mà tà khí châm vào, chỗ ấy khí tất nhiên hư (Tà chi sở tấu, kỳ khí tắc hư)”. Vài chữ đó đã cô đọng khái quát được quan hệ biện chứng giữa bệnh tật với nguyên khí trong cơ thể, đồng thời nhấn mạnh vai trò quyết định của nhân tố bên trong.

“Nạn kinh” có bàn rằng:

“Khí là cái căn bản của con người, gốc rễ đứt thì thân là khô héo (Khí giả, nhân chi căn bản dã, căn tuyệt tắc kinh diệp cô hĩ)”.

“Luận khí thọ thiên” của Vương Sung viết:

“Nếu bàn về khỏe yếu, thọ yểu thì trăm tuổi là người không có đủ khí. Khí kém thì thân thể yếu, yếu thì đoản thọ”.

Lời bàn trên đã nói rõ thêm việc nguyên khí có sung túc hay không, không những liên quan đến sức khỏe, mà còn có ý nghĩa quyết định việc sống lâu hay không. Cho nên lý luận khí công luôn quán xuyến tư tưởng “Lấy khí làm gốc”. Về phương pháp rèn luyện khí công cũng luôn nhấn mạnh phải bồi bổ nguyên khí để giữ gốc bền chắc.

Vậy khí công theo nguyên lý nào để bồi bổ nguyên khí?

“Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận” chỉ rõ:

“Điềm đạm hư vô, chân khí theo nó, tinh thần nội thủ, bệnh sẽ không đến”. Đấy chính là lời khái quát và bàn luận tinh tế về cơ lý bồi bổ nguyên khí của khí công. Y học Trung y coi tinh, khí, thần là nhân tố nội tại của cơ thể con người, nó phản ánh một cách khái quát trạng thái cơ năng của cơ thể. Khí công luyện “Cân – Cốt – Bì”, (gân, xương, da) ở bên ngoài, luyện “Tinh – Khí – Thần” ở bên trong, đó là phương pháp dưỡng sinh luyện thân theo phương thức kết hợp giữa động với tĩnh. “Tinh” bao gồm hai bộ phận là thận tinh tiên thiên và tinh hậu thiên thủy cốc. Trước khi con người ra đời, tinh hoa của cha mẹ đã tạo ra thân thể ta, sau khi ra đời, tinh tiên thiên được tàng trong thận, đó là nền tảng vật chất của cơ thể sống. Tinh tiên thiên lại phải nhờ vào sự nuôi dưỡng của tinh hậu thiên thủy cốc, hai thứ đó thông qua tâm, phế, tỳ mà truyền khắp cơ thể để đảm bảo thực hiện các hoạt động sinh lý như : sinh trưởng, phát dục, sinh sản vv… Do đó mới có cách nói : “Thận là cái vốn của tiên thiên”. “Tỳ vị là cái vốn của hậu thiên”. Khí công có tác dụng và ảnh hưởng rõ rệt đối với tinh.

Trong khí công, có phân biệt hai phái Tiên thiên và Hậu thiên.

– Lấy việc luyện thận khỏe, tinh mạnh làm mục tiêu, là thuộc phái tiên thiên.

– Lấy việc luyện tập để bồi thổ, kiện tỳ làm mục tiêu, là thuộc phái luyện hậu thiên.

Qua quan sát lâm sàng cho thấy, dù theo phái hậu thiên hay tiên thiên, chỉ cần luyện công đúng phương pháp, tập bền bỉ là đều có tác dụng tăng cường tinh tiên thiên, và tinh hậu thiên. Các chứng di tinh, xuất tinh sớm, lãnh tinh, tinh ít của nam giới và các chứng bạch đới, băng huyết, kinh ít, tắc kinh của nữ giới đều thuộc phạm trù bệnh lý về tinh. Những bệnh lý đó sau khi luyện công có thể sẽ có những cải thiện nhất định. Đấy là những bằng chứng phát huy tác dụng của khí công đối với âm tinh. Những người mắc chứng rối loạn tiêu hoá dinh dưỡng kém có thể dùng phương pháp khí công “Tâm thận tương giao” để giữ vững thận dương, tỳ dương. Từ chỗ được trợ giúp vận chuyển suôn sẻ, thận dương cũng được thận thủy tưới nhuần. Từ đó, vị khí giáng xuống một cách hài hòa, đủ khả năng ủ các thứ nạp trong dạ dày chín nhừ, tỳ khí vận chuyển một cách điều độ khiến chất tinh vi đầy ắp trong các mạch. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng ấy là cảm giác thích ăn tăng lên, ăn được nhiều hơn, dịch tiêu hóa tiết ra nhiều, khả năng trao đổi chất tăng, trạng thái dinh dưỡng được cải thiện. Tất cả những biểu hiện đó đều là bằng chứng phát huy tác dụng của khí công đối với chất tinh vi của thủy cốc. Trên đây là những biểu hiện tác dụng của khí công đối với tinh hậu thiên.

Đối với tinh tiên thiên, khí công cũng có tác dụng tương tự. Tinh tiên thiên được tàng trữ trong thận, phương pháp thủ ý đan điền, mệnh môn của khí công chính là thuật làm đầy tinh thận thủy. Tinh tiên thiên nhờ tinh hậu thiên nhuần dưỡng, nhờ phương pháp rèn luyện hít thở, kèm theo phương pháp tôi luyện khả năng khống chế tâm lý hám lợi, biết tri túc mà tự nhiên sung mãn, âm tinh sẽ đầy ắp. Cứ như thế, nhuần nhị một cách tự nhiên và chắc chắn nguyên tinh trong thận được âm tinh nuôi dưỡng ắt trở nên tráng kiện, hữu ích. Nguyên tinh mà vững mạnh, hữu ích thì nguyên khí tự nhiên sung mãn. Đấy là xu thế tất yếu của giai đoạn “Luyện tinh hóa khí”. Hiển nhiên, tác dụng làm tinh sung mãn, giữ chắc thủy khí chính là cơ chế chuyển hóa bồi bổ nguyên khí của khí công.

Luyện công sau khi đã làm nguyên khí sung mãn, hữu ích, sẽ có thể khơi dậy và thúc đẩy một cách tích cực hữu hiệu các hoạt động sinh lý bình thường của phủ tạng. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sự khang kiện của cơ thể. Ngoài ra, còn phát huy tác dụng của khâu luyện khí hóa thần mạnh hơn nữa. Thần, bao gồm nguyên thần tiên thiên và thức thần hậu thiên. Nguyên thần sinh hóa từ nguyên khí tiên thiên, còn thức thần sinh hóa từ tinh, khí hậu thiên. Nguyên thần và thức thần đều có nguồn gốc vật chất và đều có tác dụng ngược trở lại với vật chất.

“Tố vấn – Di tinh biến khí luận” có bàn:

“Người đắc khí thì mạnh khỏe, kẻ thất khí thì suy tàn (Đắc khí giả xương, thất thần giả vong)”. Lời bàn đó chỉ rõ thần có tầm quan trọng nhường nào trong hoạt động sống. Điều đó lại bổ sung thêm một ý nghĩa quan trọng nữa cho vấn đề bồi bổ nguyên khí trong khí công.

Trung y coi “Tinh- Khí – Thần” là ba bảo bối của cơ thể con người. Tinh, khí, thần liên quan với nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Trong tinh, khí, thần, Khí là nền tảng, vì xét theo nghĩa rộng thì khí bao gồm cả tinh. Thông thường, Tinh được coi là cái căn bản, Khí được coi là động lực, còn Thần được coi là yếu tố đóng vai trò chủ đạo.

“Loại chứng trị tài” viết:

“Thần sinh từ khí, khí hóa từ tinh, tinh hóa khí, khí hóa thần. Do vậy tinh là cái vốn (gốc) của thần, khí là cái vật báu của thần, hình là cái nhà (nơi cư ngụ) của thần”.

“Loại kinh” viết:

“Âm dương ứng luận đại tượng nói rằng, tinh hóa thành khí, là khí của tiên thiên, khí hóa thành tinh, là khí của hậu thiên. Tinh hóa thành khí, tinh từ khí mà ra, hai thứ đó là nguồn sinh của nhau. Tinh khí sung mãn thì thần sẽ tỉnh táo. Tuy thần được sinh ra từ khí, nhưng lại thống lĩnh khí”.

Luyện khí công phải lấy khí làm thể, lấy thần làm dụng, phải kết hợp thể với dụng, và coi trọng cả hai.

“Thai tức kinh” viết:

“Khí vào thân thì thân sống, thần rời khỏi hình thì hình tan. Biết thần thì có thể trường sinh, nên phải giữ tâm hư vô để dưỡng thần khí. Thần (vận) hành thì khí tồn tại, muốn trường sinh thì phải làm thần khí giúp nhau”.

Tiết Lập xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.

(Ngày 6 tháng giêng năm Bính Thân).

Ngày 13 tháng 2 năm 2016.

Lương y – Võ sư: Lý Băng Sơn.

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.