SỰ LIÊN QUAN GIỮA LÝ LUẬN TRUNG Y VÀ NGUYÊN LÝ KHÍ CÔNG – Bài 1

Khí công học liên quan đến nhiều môn khoa học và đặc biệt quan hệ mật thiết với Trung y học. Những lý luận Trung y có liên quan đang được dùng để chỉ đạo thực tiễn khí công, và trở thành cơ sở lý luận quan trọng để trình bày nguyên lý trị phòng bệnh, tự chữa bệnh bằng phương pháp luyện tập khí công.

BÀI 1: Ý NGHĨA CỦA QUAN NIỆM CHỈNH THỂ TRONG CÁCH PHÒNG BỆNH BẰNG KHÍ CÔNG

khicong_1

Quan điểm chỉnh thể trong Trung y không những coi cơ thể con người là một chỉnh thể mà còn coi con người với thiên nhiên, xã hội là một chỉnh thể. Người Trung Quốc thời cổ dựa vào thực tiễn trị bệnh, từ những quan sát có tính hệ thống đối với vô số sự vật mà hình thành dần quan điểm chỉnh thể hoàn chỉnh, là “Thiên nhân tương ứng”. Học thuyết âm dương, học thuyết phủ tạng, học thuyết kinh lạc, học thuyết dinh vệ của lý luận Trung y là những lý luận cơ bản và đều thể hiện tinh thần của quan điểm chỉnh thể. Trên lâm sàng, y học Trung y nhận thức về nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh, biểu hiện bệnh chứng, nguyên tắc chữa trị vv… cũng như giải thích về các khái niệm mạnh khỏe, bệnh tật, bình phục vv… đều quán xuyến trên quan niệm chỉnh thể. Cho nên khi mượn lý luận Trung y để tham luận nguyên lý phòng bệnh, trị bệnh, bằng khí công, phải bắt đầu từ quan niệm chỉnh thể “Thiên nhân tương ứng”. Trong thực tế đúng như vậy, sức thở, sự tồn tại và sự sống của con người đều phải dựa, phụ thuộc vào mối quan hệ cân bằng, động thái giữa cơ thể với môi trường xung quanh, tức là “Thiên nhân tương ứng”.Thiên” ở đây là khái niệm gọi chung và tổng quát cả thế giới tự nhiên. Học thuyết “Thiên nhân tương ứng” của Trung y đã được khoa học hiện đại kiểm chứng. Ai cũng biết, trong suốt diễn biến sinh tồn, mỗi thực thể sinh vật đều không ngừng tiến hành trao đổi chất. Một mặt thu những vật chất ở môi trường xung quanh đưa vào trong, rồi trải qua hàng loạt biến đổi hóa học để chuyển hóa thành vật chất của cơ thể mình, hoàn thành quá trình trao đổi chất hợp thành. Mặt khác vật chất trong cơ thể cũng không ngừng được phân giải trao đổi giải phóng năng lượng và thải bỏ những vật chất đã trao đổi. Quá trình hợp thành, phân giải diễn ra không ngừng. Nó là đặc trưng và là nguyên nhân của sự sống. Mọi hoạt động và hiện tượng sinh lý như tư duy, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, bài tiết, nội tiết v.v… đều diễn ra trên cơ sở trao đổi chất. Một khi trao đổi chất ngừng lại là sự sống lập tức kết thúc. Xét trên một ý nghĩ nào đó có thể nói: quá trình sống của cơ thể người chính là quá trình trao đổi chất, trao đổi năng lượng không ngừng giữa cơ thể người với môi trường. Vì thế tầm quan trọng và tính khách quan của quan niệm chỉnh thể “Thiên nhân tương ứng” là điều tất nhiên.

“Nội kinh – Sinh khí thông thiên” viết:

“Từ ngàn xưa, cái gốc sinh ra thông thiên là âm dương…chín khiếu, năm tạng, mười hai tiết đều thông với thiên khí ”.

Sinh khí thông thiên” trong kinh văn có ghi là “thiên nhân tương ứng”. Nó chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa lục phủ ngũ tạng, tứ chi, bách cốt trong cơ thể người với thế giới tự nhiên. Lý luận Trung y luôn luôn thể hiện tư tưởng “Chỉnh thể”Thiên nhân tương ứng”.

“Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận” viết:

“Bậc chân nhân, nâng đỡ trời đất, nắm chắc âm dương, hô hấp tinh khí, độc lập thủ thần, cơ nhục như một, nên có thể thọ ngang trời đất, không có tận cùng. Đó là đạo sinh”.

 Lại viết:

“Thánh nhân là cái hòa ở ngoài đất trời, là cái lý từ bát phong… hình thể hoàn chỉnh, tinh thần không tán có thể thọ trăm tuổi”.

Lời văn trong kinh điển chỉ rõ :

– Người dưỡng sinh giỏi, là người đầu tiên phải nắm vững quy luật biến hóa của giới tự nhiên, hài hòa thuận theo đất trời.

– Thứ hai phải rèn luyện thủ thần, điều tức.

Có thực hiện đủ hai điều đó mới đạt được mục đích trường thọ. Thuật ngữ Yoga của Yoga Ấn độ (một dạng hình cùng với loại khí công) cũng hàm nghĩa “Thiên nhân tương ứng”.

Lý luận khí công ở trong và ngoài nước đều lấy quan điểm chỉnh thể “Thiên nhân tương ứng” làm tư tưởng chỉ đạo. Nên trong rèn luyện khí công, khi nhấn mạnh vai trò có tính quyết định của các nhân tố bên trong, cũng phải chú trọng vai trò trọng yếu của các nhân tố bên ngoài. Trung y coi bảy thứ tình cảm : “Vui, giân, lo lắng, ưu tư, bi thương, sợ hãi, kinh hoàng” là nhân tố nội tại sinh bệnh, coi “phong, hàn, nhiệt, thấp, táo, hỏa” là nhân tố bên ngoài gây bệnh.

Các nhà dưỡng sinh cổ đại hấp thụ kinh nghiệm thực tiễn của hàng triệu triệu người, kết hợp nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh đã đúc rút ra nhiều phương pháp, nguyên tắc phòng chữa bệnh. Trong thực tiễn hoạt động dưỡng sinh, phải lấy quan điểm chỉnh thể, “Thiên nhân tương ứng” làm tư tưởng chỉ đạo, đồng thời chú trọng rèn luyện nhân tố bên trong là “Tinh – Khí – Thần”, chú ý nhấn mạnh các yêu cầu “Tu dưỡng tinh thần”, “Thuận ứng tứ thời”, “Sinh hoạt điều độ”, “Không vọng động, không làm quá sức”.

Về mặt tinh thần, cần chú ý thăng bằng tâm lý tình cảm, giữ

tâm trạng khoan khoái, tránh những biến đổi dữ dội về tâm lý như quá vui, cáu giận, ưu tư, bi thương, sợ hãi, kinh hoàng vv… Nếu không chúng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe dẫn đến bệnh tật.

“Thuận ứng tứ thời” là yêu cầu của các nhà dưỡng sinh, nhắc ta chú ý đến những thay đổi thời tiết, phòng tránh “Hư tà tặc phong”. Tất nhiên “Hòa với âm dương”, “Thuận ứng tứ thời” không có nghĩa là thuận theo biến hóa thời tiết một cách tiêu cực, mà phải “Hài hòa thuật số” để tăng sức đề kháng của cơ thể thích nghi một cách tích cực với những thay đổi của ngoại cảnh.

Một người dưỡng sinh cũng phải chú trọng đến ăn uống, sinh hoạt điều độ.

“Ẩm thực thông giám” viết :

“Ăn uống đúng giờ, no đói vừa phải, biến đổi về nước, khí, mồ hôi phải điều hòa, thần chí yên ổn, chính khí đầy ắp ở bên trong, nguyên khí thông hợp với bên ngoài”.

Đoạn viết trên đây đã chỉ rõ ý nghĩa quan trọng của “Việc ăn là bầu trời sinh ra dân, là cái gốc nuôi sống con người”. Các nhà dưỡng sinh phản đối việc chỉ đơn thuần chú ý đến các món ăn ngon, nên đã nêu ra lời răn bảo như sau: “Biến đổi cao lương cũng đủ sinh vạ”, họ chủ trương phải xen lẫn thức ăn tinh thô, ăn đủ các loại ngũ cốc, họ nêu ra: “Ngũ cốc để nuôi thân, bồi bổ thêm bằng hoa quả, bổ ích thêm bằng thịt ngũ súc, bổ sung nguồn thức ăn bằng rau tươi”. Những yêu cầu điều chỉnh cơ cấu bữa ăn như đã nêu trên có ý nghĩa tích cực trong chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe.

Nhà dưỡng sinh rất chú trọng nếp sống điều độ, chủ trương kết hợp điều chỉnh cho phù hợp với bốn mùa (Tứ thời) như:

“Ba tháng xuân…ngủ muộn dậy sớm, dạo bước dài ở sân, … Ba tháng hè, ngủ muộn dậy sớm, ngày không uể oải ,… Ba tháng thu, … ngủ sớm dậy sớm, nhộn nhịp cùng hoạt động của gà qué… Ba tháng đông, … ngủ sớm dậy muộn, cần chờ đón ánh nắng”. Ở đây không đòi hỏi mọi người phải theo cái cổ, cái cũ một cách máy móc, mà muốn khuyên các bạn khai thác tiếp thu giáo huấn của người cổ về phương diện chú trọng nếp sống điều độ.

Về yêu cầu “Không vọng động, không làm quá sức”, “Tố vấn – Thượng cổ thiên chân luận” viết:

“Tâm an mà không hãi, lao động chân tay mà không mệt mỏi”.

Câu viết trên đã chỉ rõ: trong cuộc sống bình thường ngày, không nên “lấy vọng động làm việc bình thường”, cần thường xuyên lao động chân tay, nhưng đừng làm quá mệt. Như vậy lao động điều độ sẽ có ý nghĩa dưỡng sinh. Câu nói “Cơ thể không biếng cũng như nước chảy thì không bị thối” chính là nghĩa như vậy. Cũng dễ dàng nhận ra rằng, khí công dưỡng sinh ngoài chú trọng rèn luyện nhân tố bên trong của từng cá nhân, còn nhấn mạnh tu dưỡng tinh thần, thuận theo 4 mùa, ăn uống điều độ, không làm việc quá sức. Phương pháp dưỡng sinh kết hợp 4 mặt trên và xem cơ lý trị bệnh, gìn giữ sức khỏe của phương pháp phải được xây dựng trên cơ sở tổng hợp của các nhân tố.

Tiết Lập xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.

(Ngày 6 tháng giêng năm Bính Thân).

Ngày 13 tháng 2 năm 2016.

Lương y – Võ sư: Lý Băng Sơn.

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.