“ĐIỀU TÂM”-SỰ KỲ DIỆU TRONG LUYỆN NỘI KHÍ CÔNG

“ĐIỀU TÂM”-SỰ KỲ DIỆU TRONG LUYỆN NỘI KHÍ CÔNG

ĐÔI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUYỆN CÔNG

 

Từ xưa tới nay ai trong giới võ cũng đều biết nội công là sức mạnh của con người tiềm ẩn bên trong cơ thể. Thông qua phương pháp luyện tập đúng, con người có thể sử dụng được sức mạnh này để phục vụ một mục đích nào khác mà sức mạnh bình thường không thể thực hiện được.

Khí công - Điều tâm

Khí công – Điều tâm

Nội công luôn là cái đích cuối cùng của những người luyện tập võ thuật, dù ở bất kỳ môn phái nào. Bởi tất cả các lĩnh vực khác của võ thuật như quyền, cước, binh khí, ngoại công… đều chỉ tồn tại với người tập cao lắm là độ tuổi trung niên, còn khi qua lứa tuổi này chỉ còn một môn duy nhất là nội công là còn phát huy được khả năng mà thôi. Hay nói một cách khác thì nội công tồn tại song song với cuộc sống của người luyện tập thành công về môn này.

Nội công có sự linh diệu về cái dụng như vậy, sự diệu dụng của nó thì có thể là vô cùng, vô tận. Nhưng ngược lại sự luyện tập lại vô cùng nghiêm ngặt, đòi hỏi người tập phải có sự tuân thủ một cách tuyệt đối, hầu đạt được kết quả tốt đẹp cuối cùng. Điều quan trọng là sẽ tránh được sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình luyện tập. Do đó có một số điều kiện tiên quyết của việc luyện tập nội công (chúng tôi thường gọi là nội khí dưỡng sinh công) mà người tập bắt buộc phải hiểu rõ và tuân thủ theo là :

1-    Phải có một người thầy (bậc chân sư) am hiểu về nội khí tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn ngay từ những bước đầu tiên. Kinh nghiệm của người thầy sẽ giúp cho người luyện tập lựa chọn được phương pháp và lượng vận động cần thiết, phù hợp, hầu đạt được kết quả một cách tốt nhất.

2-    Người tập phải có những hiểu biết tâm sinh lý con người, hiểu biết về kinh mạch, huyệt đạo, sự lưu thông khí huyết trong con người theo quan điểm đông y.

3-    Địa điểm luyện tập phải là nơi yên tĩnh, thoáng đãng, khí hậu ôn hòa, ánh sáng vừa đủ nhìn thấy sự vật, không bị gió lùa, cách xa nơi ao hồ kênh rạch và nơi không có khói bụi để bầu không khí không bị ô nhiễm. Điều nữa là khi thời tiết thay đổi bất thường như mưa giông, sấm sét, sương mù thì việc luyện tập cũng không nên thực hiện vì lúc bấy giờ cơ thể con người khó thích nghi kịp thời với môi trường xung quanh đang thay đổi xáo trộn.

4-    Người tập luôn có chế độ ăn uống đầy đủ chất lượng dinh dưỡng để đảm bảo cho sự luyện tập lâu dài của cơ thể. Và cần phải có một nếp sống lành mạnh, một điều kiện sinh hoạt thoải mái hợp vệ sinh để quá trình luyện tập diễn tiến tốt đẹp.

5-    Điều cuối cùng là điều quan trọng nhất là phải có niềm tin vào phương pháp luyện tập do thầy hướng dẫn. Niềm tin này thường gọi là “đức tin”. Muốn có được “đức tin” phải có “chính tâm”- “quyết tâm”- “chuyên tâm”- “hằng tâm” (tứ tâm). Người tập luôn nhớ rõ khi không có đức tin thì bất kể là bậc chân sư, pháp công kỳ diệu nào đi nữa cũng không thể giúp người tập tiến bước trên con đường luyện tập.

Sau cùng theo kinh nghiệm của bản thân tôi, là người tập nên có một cuốn sổ nhật ký tập luyện để ghi chép những bài tập hàng ngày, cùng các biến chuyển tâm sinh lý của bản thân hầu rút tỉa được kinh nghiệm, tập luyện tốt hơn, cũng như phát hiện sớm được các sai lầm nếu có.

Một thế trong Bát Đoạn Cẩm

Một thế trong Bát Đoạn Cẩm

Nói một cách khác, luyện tập nội công là luyện tập sự “điều thân”, “điều tức” và “điều tâm”. Trong tam điều đó thì “điều tâm” giữ vai trò quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại. Điều thân mà không điều được tâm, hay điều tức mà không điều nổi tâm thì làm sao mà đạt được hiệu năng tột cùng. Tâm không kiên định thì làm sao thân thể vững chắc, hơi thở nhịp nhàng cho được. Nhiều người luyện công chỉ chú ý đến hình thức mà quên đi mất hơi thở và sự điều tâm. Hoặc có đạt được điều thân, điều tức thì lại quên mất hẳn hoặc cũng chẳng hiểu được điều tâm như thế nào, thật đáng tiếc. Bản thân tôi vẫn thường nhắc các môn sinh đến 40 tuổi tôi mới định được tâm. Điều này tôi nói thực lòng chứ không như mấy vị thầy khả kính khác nói điều tâm là điều được tâm ngay. Cá nhân tôi nhận thấy nếu con người ta chưa từng trải việc đời thì sự điều tâm cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Không hiểu các vị thầy kia điều tâm gì? Cho đến nay đã là thế kỷ 21, người phương Tây, nơi mà nền khoa học kỹ thuật phát triển tột bậc, cũng không chắc đã hiểu được “tâm” là gì? “Tâm” của Đông phương quả là sự diệu kỳ!

Nói về điều tâm thì có nhiều phương pháp điều tâm, ở đây tôi xin giới thiệu một phương pháp tương đối thực hiện coi như bài tập khởi đầu của tập luyện nội công. Điều hay tuyệt của phương pháp này là có thể luyện tập bất cứ ở nơi nào, lúc nào, trong bất cứ trạng thái nào của cơ thể.

Phương pháp đó là : loại bỏ tất cả những ý nghĩ vẩn vơ khỏi tâm trí, tập trung mọi suy nghĩ vào một điểm cố định trên thân thể và chỉ suy nghĩ về điều này mà không hề suy nghĩ bất cứ điều gì khác, giữ càng lâu trạng thái này không suy nghĩ miên man thì càng tốt, phải làm sao cho mọi âm thanh hình ảnh quanh ta đều như không có, không thấy, đó mới là đạt đến cảnh giới của việc điều tâm. Nói qua nghe thì rất dễ dàng nhưng khi bắt tay vào luyện tập thì thật không dễ dàng chút nào. Nhiều người lúc đầu hăm hăm hở hở tập luyện nội công nhưng khi bước vào tập điều tâm thì bỏ cuộc ngay vì tư tưởng không bao giờ tập trung được. Bao nhiêu tạp niệm cứ thay nhau kéo đến đùa giỡn trong đầu óc, không tài nào giữ được sự trống không cả.

Tôi là một kẻ say nghiệp, yêu nghiệp đến nỗi nhiều khi phải lao đao. Tôi cũng đã nhận rất nhiều người đến xin học về nội khí nhưng thật đáng tiếc họ đều hỏi bao giờ thì thành công, mấy tháng thì đạt? Thậm chí có cả những bậc già lão, học đủ các môn thiền, năng lượng…vv…Họ tự nhận là đã đạt cấp cao có chứng nhận của các môn học đó mà còn mang “tâm viên ý mã” như vậy thì thôi, kết quả cũng chỉ là sự hư không. thậm chí có cả những vị sư đỗ đạt, có chức sắc trong giới tu hành cũng mang cái “tâm viên ý mã” chỉ muốn học thật nhanh, cho xong để rồi dương danh với đời thì thôi, cái tâm họ đặt ở đâu, đã không có “tâm” còn hòng chi đến “đạo”. Lại có những người đã học qua vài ba môn về khí công vẫn có những ngộ nhận đáng tiếc về điều này. Họ chỉ chú trọng hình thức, danh vị mà quên đi điều quan trọng nhất là tâm mình vẫn loạn động. Họ nói rằng đã đạt công phu các môn học,  nhưng điều hơi thở còn không điều hòa nổi, hơi thở thì ngắn, đoản, khí thô thở phì phò, có giữ được hơi thở khoảng chút ít thì đã hổn hển thì việc tập luyện của họ không hiểu các vị thầy kia khi dạy họ có biết mà uốn nắn không? Bản thân tôi khi nói ra điều này cũng cảm thấy hổ thẹn vì không giúp được gì cho họ cả. Tôi cũng là một cư sĩ nên những điều nói ra ở đây là thật lòng nếu có những vị nào có những cái “tâm viên ý mã” thì xin cảm thông cho tôi, tôi chỉ quan niệm “cái gì của đời thì trả lại cho đời”. Những điều tôi nói ở đây cũng chỉ là nói lại những điều đã học hỏi được, thu nhận được trên con đường rèn luyện, học tập, cầu quý vị hoan hỉ thì tôi cũng hoan hỉ lắm.

Nói như vậy thì điều tâm có phải là quá khó khăn, và bất khả thi không?

Xin thưa rằng không! Dứt khoát như vậy! Có rất nhiều người luyện tập đạt thành đó chứ! Một Phạm Ngũ Lão trong lịch sử Việt Nam, chàng trai ngồi đan sọt ở làng Phù Đổng ngồi đan sọt mải mê nghĩ việc nước đên nỗi bị giáo đâm chảy máu vẫn không hay… Một Trần Quốc Tuấn giả danh nhà sư tiếp sứ Nguyên là Sài Thung lúc ngồi đàm luận, lính nhà Nguyên đã lấy giáo sắc đâm vào đầu ông chảy máu, ông vẫn điềm nhiên ngồi nói chuyện. Đấy chính là đạt được đến sự điều tâm vậy.

Nhưng sự điều tâm rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng hôn trầm? Điều tâm là sự điều hòa tâm tưởng tập trung vào một chỗ trống không. Còn hôn trầm là tình trạng tâm thần bị hôn mê trầm trọng giống như sự ngủ mê, không còn ý thức.

Lý Băng Sơn

Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2567 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.