MỐI QUAN HỆ GIỮA KHÍ CÔNG VỚI PHỦ TẠNG HỌC. (Bài 4)
Hệ thống kinh lạc trong khí công
Học thuyết tạng tượng là nội dung quan trọng của hệ thống lý luận y học Trung y. Tạng tượng học cho rằng, các khí quan trong cơ thể người được chia làm hai loại:
– “Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, Tâm bào” gọi chung là tạng.
– “Đởm, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu” gọi chung là phủ.
Vấn đề công năng của phủ tạng có bình thường hay không, đóng một vai trò quyết định đối với sức khỏe, hay bệnh tật của con người. Nguyên nhân cơ bản bệnh lý là công năng phủ tạng mất khả năng điều hòa, từ đó mới dẫn đến sức khỏe giảm sút, rồi bị bệnh. Do đó cơ chế làm chuyển biến tình trạng bệnh và phòng chữa bệnh của khí công vẫn không ngoài con đường điều chỉnh công năng phủ tạng.
Trung y cho rằng, quá trình sinh trưởng, phát dục, già nua đều liên quan mật thiết với thận. Tạng thận bao gồm thận khí, thận tinh. Thận tinh thuộc âm, gọi là “Nguyên âm”, “Chân âm”. Thận khí thuộc dương, gọi là “Nguyên dương”, “Chân dương”.“Nguyên âm”, “Chân âm” có tác dụng nhuần dưỡng tạng phủ, còn “Nguyên dương”, “Chân dương” có vai trò ủ ấm và sinh hóa. Vì tạng thận là tạng của thủy hỏa, là căn bản của âm dương, của nguyên khí, cho nên nói thận là cái gốc (vốn) của tiên thiên.
“Nạn kinh” viết:
“Hai quả thận, không phải là thận cả, quả ở bên trái là thận, bên phải là mệnh môn; Mệnh môn là phủ của tinh thần, của nguyên khí”. Trương Giới Bân thời Minh nói: “Mệnh môn là cái gốc của nguyên khí, là chỗ trú ngụ của thủy hỏa. Âm khí của ngũ tạng nếu không có nó thì không thể phát ra”. Cách nhìn nhận về công năng và bộ vị Mệnh môn của các y gia nhiều đời vẫn chưa nhất trí với nhau.
Triệu Hiến Khả viết trong: “Y quán” như sau:
“Mệnh môn không gọi là thận, vị trí của nó ở chỗ cách mỗi quả thận một thốn rưỡi”, chứ không cho rằng Mệnh môn là căn bản của dương khí, Mệnh môn có mối liên hệ bản chất với thận dương. Lại có người cho rằng, công năng của Mệnh môn (gọi thận âm, thận dương một cách khái quát) được coi là cái căn bản của chân âm, chân dương tiên thiên của thận.
Trong quá trình rèn luyện khí công. Mệnh môn là bộ phận quan trọng để tiến hành thủ ý. Thông qua thủ ý Mệnh môn có thể bù đắp được cho tướng hỏa của Mệnh môn. Nguyên dương, tướng hỏa là động lực sinh lý của hoạt động phủ tạng. Khi nguyên dương sung mãn có thể tăng cường công năng hoạt động của lục phủ ngũ tạng, từ đó mà phát huy tối đa hiệu ứng sinh lý của nó.
Trong “Thạch thất mật lục” có viết:
“Tâm được Mệnh môn mà thần minh có chủ, mới có thể ứng đón các thứ; Can được Mệnh môn mà tư duy; Đởm được Mệnh môn mà quản việc điều tiết; Đại trường được Mệnh môn mà truyền đạo; Tiểu trường được Mệnh môn mà phân hóa vật chất đã khí hóa; Thận được Mệnh môn mà khỏe lên, Tam tiêu được Mệnh môn mà giải quyết việc bài tiết; Bàng quang được Mệnh môn mà cất giữ”.
Khí hỏa nguyên dương của Mệnh môn sung túc thì tỳ dương sẽ được hỗ trợ. Tỳ dương tiếp được sự trợ giúp thì khí dung túc mà vận chuyển trôi chảy. Như vậy thủy cốc của hậu thiên sẽ được tiêu hóa triệt để, vật chất tinh vi sẽ được phân hóa hoàn toàn, từ đó tạo cơ sở vật chất cho các hoạt động bình thường của phủ tạng, kinh lạc và tứ chi, bách cốt. Đấy chính là cơ sở quan trọng của việc dùng khí công kiện toàn thân thể một cách toàn diện.
Thận (bao gồm Mệnh môn) ở trong phạm vi của Hạ Đan điền.
“Loại kinh” viết:
“Lúc ban đầu, con người khởi sinh từ rốn, rốn nối với Đan điền, đó là Khí hải, tức là Mệnh môn vậy. Vì là tiên thiên sinh tạo con người, nên gọi nó là Mệnh môn. Hậu thiên nuôi sống con người, cũng tiến hành ở nơi đó vậy. Nó là cửa sinh mà cũng là cửa tử. Cho nên sự thịnh suy, việc sống chết của con người đều diễn ra ở đó. Đó chính là nguồn sinh ra khí. Khí mạnh thì người khỏe, khí suy thì người lâm bệnh… Cho nên Mệnh môn là phủ của thủy hỏa, là nhà của âm dương, là biển của tinh khí, là chỗ sinh chỗ tử”.
“Y học nguồn lưu luận” viết:
“Nguyên khí tồn tại ở đâu vậy? Chân tịnh của lục phủ ngũ tạng chính là phân thân của nguyên khí. Nơi tồn tại căn bản của nguyên khí chính là “Đan điền”, nói trong “Đạo kinh”, là “Mệnh môn”; Nói trong “Nạn kinh”; “Thất tiết” nói trong “Nội kinh”. Âm dương vào ra tồn tại ở đó, hô hấp cũng chính ở đó. Không phải là lửa mà toàn thân ấm áp, không phải là nước mà ngũ tạng nhuần thấm. Tất cả đều nhờ vào nguyên khí”.
Khi luyện công, thủ ý ở Đan điền có tác dụng tăng cường công năng nguyên âm, nguyên dương của thận, đồng thời có thể hỗ trợ cho tâm, khiến tâm thận giúp nhau, thủy hỏa điều hòa lẫn nhau, từ đó xây dựng nền móng vững vàng cho việc điều hòa công năng của phủ tạng một cách toàn diện.
“Tâm là cái gốc của sự sống, là sự biến hóa của thần”, “Tâm là khí quan chủ chốt, là nơi phát ra tinh thần sang suốt (thần ninh) ”, “Tâm tàng thần, phế tàng phách, can tàng hồn, tỳ tàng ý, thận tàng chí”. “Thần, Phách, Hồn, Ý, Chí”, năm khái niệm khác nhau nhưng đều thuộc phạm trù của thần. Ngũ tạng tàng ngũ thần, cho nên hoạt động của ngũ tạng đều do thần chủ đạo.
“Tố vấn – Di tinh biến khí luận” nhấn mạnh:
“Đắc thần giả xương, thất thần giả vong” là có nghĩa như vậy. Tâm thần chủ đạo công năng của phủ tạng.
“Tố vấn – Tinh lan bí điểm luận” chỉ rõ:
“Tâm là khí quan chủ chốt trong cơ thể. Khí quan chủ đạo có đúng đắn thì các khí quan khác mới yên ổn, hễ khí quan đó hư trì, sai lệch là các khí quan khác lâm nguy ngay. Ngoài ra, tâm thần cũng có vai trò điều dưỡng đối với hình thể”.
“Cổ kim y thống đại toàn” viết:
“Tâm là chủ của hình, thần là nhà của tâm. Cho nên thần yên tĩnh thì tâm bình hòa, tâm hòa thì hình sẽ nguyên vẹn. Thần bứt rứt thì tâm nao núng, tâm nao núng thì hình bị thương tổn, bị méo mó. Muốn giữ nguyên hình, trước tiên phải điều chỉnh thần. Cho nên khoan khoái ôn hòa thì mới dưỡng được thần để tự làm cho bên trong yên tĩnh. Có thanh thản trong tâm thần thì mới không bị lung lay, cám dỗ bởi ngoại cảnh. Tâm thần thoải mái thì hình không bị mệt mỏi”.
Bằng những phương pháp luyện công như điều thân, hành khí, thủ ý, tác niệm và người luyện công thu hoạch được kết quả, bảo dưỡng tâm thần. Tâm thần thanh tịnh thì thân sẽ an, khí sẽ hòa, hồn, phách, ý, chí đều nhịp nhàng trong trạng thái yên định. Được như vậy ngũ tạng sẽ yên ổn, hài hòa, tâm thân sẽ khỏe mạnh.
Tim ở trên cơ hoành, thuộc tạng dương, tính thuộc hóa, cho nên có cách nói “Thái dương trong dương”. Thận ở dưới cơ hoành, thuộc tạng âm, tính thuộc thủy, cho nên gọi là “Thiếu âm trong âm”. Lý luận của khí công truyền thống rất chú ý đến vấn đề “Dưới bầu trời trên mặt đất” tụ họp nhau cùng yên bình. Lý luận đó cho rằng chỉ khi vạn vật cùng tồn tại yên định thì mới có sinh hóa đổi mới. Phép tập khí công nhấn mạnh: “Tâm thần yên tĩnh chiếu vào Đan điền”. Tâm thần là dương, mà cái dương chủ về sinh. Khi việc sinh bị chệch khỏi vòng kiểm soát thì tâm hỏa mãnh liệt sẽ thiêu đốt cái âm, mà hậu quả là tâm âm bị tổn hại, thân âm bị hư. Tâm hỏa manh động sẽ nung nấu cái chí âm, đó là con đường làm hao tán thận tinh. Khi giữ vững được tâm thần ở trong thì cái dương sẽ không vượt ra ngoài, thần cũng không thoát ra ngoài, và hiển nhiên tâm thần sẽ nội liễm, chuyển giao xuống thận ở dưới. Đó chính là con đường ổn dương ích tinh.
Trong luyện công, khi tâm thần yên tĩnh chiếu được xuống Đan điền, Mệnh môn, thì tâm thần sẽ xuống giao với thận; từ đó làm thận dương, thận âm đều nhận được sự trợ giúp. Thận tinh sung mãn sẽ dâng lên giúp tâm. Tâm âm được trợ giúp thì tâm âm, thận âm cùng chế ước tâm dương, làm cho tâm hỏa không bùng dậy, không vượt ra ngoài vòng chế ước, khiến tâm dương ích thận giao nhau ở thận. Tâm dương, thận dương lại cùng hâm thận thủy âm lên, thận thủy không hàn sẽ không ngừng khí hóa sinh sôi. Phương pháp làm cho thủy, hỏa giúp nhau rất có ích cho việc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Phế chủ về khí, điều khiển hô hấp. Phế vừa điều khiển khí trong hô hấp, vừa chủ đạo khí của toàn cơ thể. Lúc luyện công, việc điều chỉnh, luyện hô hấp của phổi được coi là một nội dung quan trọng. Điều chỉnh, luyện hô hấp của phổi vừa có tác dụng tăng cường và cải thiện công năng của phế, vừa đạt được hiệu quả yên thân an thần. “Phế triền bách mạch” (Phế hướng về các mạch) phế có thể thúc đẩy khí huyết vận hành khắp toàn thân để nuôi dưỡng lục phủ, ngũ tạng, tứ chi bách cốt.
“Cảnh nhạc toàn thư” viết:
“Phế là chủ của khí, thận là gốc của khí”.
Các phương pháp luyện khí công, như điều chỉnh hô hấp, vận khí, bớt tư lự, giảm tham muốn, đều nhằm tăng cường công năng của phế, thận và thực hiện cơ chế quay vòng như vậy để đạt được hiệu quả tinh sung mãn để hóa khí, khí sung mãn để hóa thần, thần sung mãn để hoàn hư.
Tỳ ở trung tiêu, tỳ chủ vận hóa, chủ về thống lãnh huyết, chủ về cơ nhục và tứ chi. Tỳ chủ vận hóa tức là chỉ tỳ tạng có công năng tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển vật chất dinh dưỡng. Thủy cốc tiêu hóa ở tỳ vị xong, biến thành vật chất tinh vi. Tỳ hấp thụ vật chất tinh vi và dâng chúng lên phế, rồi phế chuyển chúng đến các mạch để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng. Rõ ràng trạng thái công năng của tỳ vị giữ một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của phủ tạng. Chính vì vậy mới có câu nói: “Tỳ là cái vốn, cái gốc của hậu thiên”. Luyện khí công có thể bổ ích cho thận và nguyên dương khí, từ đó mà làm tỳ dương phấn chấn. Ngoài ra hình thức thở bụng của khí công làm cơ hoành vận động lên xuống với biên độ lớn, thành bụng co dãn, lên xuống có tác dụng xoa bóp nhè nhẹ, nhịp nhàng vào tỳ vị. Không nghi ngờ gì nữa, hình thức thở bụng có tác dụng điều chỉnh hoạt động chức năng của tỳ vị. Công năng của tỳ vị được cải thiện khiến lục phủ ngũ tạng, tứ chi bách cốt nhận được đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp vật chất một cách toàn diện cho việc nâng cao thể chât.
Can tàng huyết, chủ đạo sơ tiết và suy tư. Can thuộc mộc, tính của mộc là rành mạch. Cho nên có cách nói: “Can ưa rành mạch”. Y học Trung y cho rằng, hoạt động tình chí của con người do tâm chủ đạo, ngoài ra, nó còn có quan hệ mật thiết với can. Can chủ sơ tiết nghĩa là : Tạng can có thuộc tính thư dãn, thông suốt, ngoại phát và thông đạt. Thuộc tính này thường bị tình chí quấy nhiễu. Câu nói “Chí tĩnh tại là ở sự tha thứ, cáu giận hại đến gan (Tại chí vi thứ, nộ hại can)” chính là nghĩa đó. Cơ sở sinh lý của việc tâm tình khoan khoái, tình cảm ổn định là can khí suôn sẻ, rành mạch. Khi can bị bệnh, mất thuộc tính sơ tiết thì xuất hiện những biến đổi trong tình chí như tình cảm dao động, tâm trạng u buồn, nóng nảy, hay bối rối như tơ vò v.v…Luyện khí công, bằng phương pháp điều tức thủ ý có thể đưa con người tiến vào trạng thái điềm đạm hư vô, buông lỏng thoải mái, nhập tĩnh. Trạng thái này giúp ích cho can hồi phục thuộc tính thư giãn, điều độ.
Hoạt động chính thường của phủ tạng là một trong những cơ sở quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho con người. Tác dụng điều chỉnh phủ tạng khi luyện khí công là cơ lý quan trọng của việc phòng và chữa bệnh.
Tiết Lập xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.
(Ngày 6 tháng giêng năm Bính Thân).
Ngày 13 tháng 2 năm 2016.
Lương y – Võ sư: Lý Băng Sơn.
(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)