Nhận định về võ thuật cổ truyền Việt Nam – phần 1

1. Nguyên lý của võ thuật.

Mỗi nền võ thuật trên thế giới đều không thể tách rời cuộc sống con người như nguồn gốc, mục đích, tính chất, … Do hoàn cảnh thực tế và trí tuệ của từng tập thể sinh sống trong các địa phương có sự khác biệt nên tạo ra những nét đặc thù trong quá trình sinh sống, đấu tranh sinh tồn để phát triển đã diễn hóa các động tác, phương thế sinh hoạt để hình thành các nền võ thuật, các môn phái võ thuật, các dòng võ. Nhưng bất kể các nét đặc thù ra sao đi nữa thì mỗi nền võ thuật đều phải có một điểm tựa đó là dựa vào sức lực của bản thân con người, đều nhằm cùng một mục đích bảo toàn sự sống và đều mang tính chiến đấu để thoát khỏi các mối đe dọa. Mọi hình thức kỹ thuật, mọi nguyên tắc rèn luyện và vận dụng dù đa dạng đến đâu vẫn phải cố gắng phát huy tới mức cao nhất hiệu năng của ba mặt đó : “đưa sức con người lên cao nhất – đạt sự an toàn cao nhất – tạo hiệu quả chiến đấu cao nhất”.

Thời gian thực tế và lịch sử góp thêm cho trí tuệ con người khả năng chắt lọc để luôn giữ vững các hướng đi lên của quá trình diễn hóa hình thành các nền võ thuật. Đây cũng là hai cứ điểm để xác nhận một nền võ thuật.

Tóm lại “võ thuật bám rễ sâu trong cuộc sống và tồn tại trong nhiều thời gian lịch sử. Dù trải qua quá trình chuyển hóa, chắt lọc ra sao, võ thuật vẫn luôn thể hiện trên bản thân mình, trình độ trí tuệ, sắc thái tinh thần, ý, hướng, tâm tư và sức chiến đấu của những tập thể, con người trong một dân tộc, luôn luôn biểu hiện sức sống và trình độ văn minh của dân tộc đó.

2. Võ thuật cổ truyền Việt Nam, sự hình thành và phát triển.

Là một nước nhỏ nằm trên dải đất hình S ở vùng Đông Nam Á, đất hẹp, người thưa, rừng rậm, sông sâu, trước mặt là hướng đông với biển Thái Bình Dương rộng lớn, sau lưng là phía tây với dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiếp giáp với các nước láng giềng Lào, Campuchia, phía Bắc tiếp giáp Trung Quốc – một nước lớn bá quyền, xuôi về phương Nam giáp biển Nam Thái Bình Dương và tiếp giáp vương quốc Thái Lan với cảnh vật ôn hòa tươi tốt. Với mấy nghìn năm lịch sử, do đặc điểm là ở gần cường địch luôn có dã tâm xâm lược, thôn tính, Việt Nam luôn có những cuộc chiến tranh để giữ nước. Chính vì vậy, lịch sử Việt Nam luôn xuất hiện những anh hùng hào kiệt trong thời kỳ phong kiến như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, … Một dân tộc có lịch sử bất khuất như thế tất phải có tinh thần thượng võ và một nền võ thuật lâu đời phát triển ở trình độ cao. Qua khảo cứu lịch sử trên mặt trống đồng từ thời cổ, là văn tự ghi hình rõ nét nhất đã lưu giữ lại những hình ảnh sinh hoạt, văn hóa, lao động, chiến đấu của nhân dân thông qua các hình ảnh của những đoàn người hóa trang nhảy múa, giã gạo, bơi thuyền, phóng lao, bắn cung … Đó chính là văn hóa và võ thuật, là những hình ảnh sống động về hoạt động thể chất của tổ tiên Việt Nam trong buổi sơ khai.

Thời kỳ phong kiến cùng với sự hình thành về những lĩnh vực khác nhau trong văn hóa dân tộc thì nổi bật nhất là võ, vật dân tộc là bộ phận của nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa thể chất nói riêng. Thế kỉ mười ba, nhà Lý, Trần đã cho xây dựng xạ đình (trường bắn), giảng võ đường (trường dạy võ) tại Thăng Long để đào tạo nhân tài. Qua đời Lê cho đến triều Nguyễn, các khoa thi võ liên tục mở ra để tuyển chọn nhân tài cho đất nước cho đến thời Pháp thuộc vì sự cấm đoán của chính quyền thực dân nên võ thuật cổ truyền chỉ còn âm thầm phát triển trong dân gian.

Sau 1954, tiếp quản thủ đô, chính quyền mới đã cho khôi phục phong trào vật võ do ủy ban thể dục thể thao quốc gia quản lý. Nhưng phải đợi đến sau 1975, thống nhất đất nước, phong trào võ thuật mới có điều kiện để phát triển nhằm nâng cao sức khỏe và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, Việt Nam bắt đầu hội nhập và giao lưu với hoạt động thể thao của khu vực và quốc tế, các bộ môn võ thuật đã nhanh chóng khẳng định được vai trò mũi nhọn của mình, đóng góp nhiều HLV, VĐV tài năng cho các đội tuyển quốc gia để mang vinh quang về cho đất nước, chính thời điểm đặc biệt đó Hội võ thuật Hà Nội chính thức được thành lập tháng 1/6/1989. Đây là hội võ thuật đầu tiên được thành lập trong cả nước với điều lệ, quy chế và bộ máy hoạt động phù hợp với thực tế của địa phương, với sự góp mặt, tham gia của nhiều tổ chức liên ngành. Cuối năm 1989, Hội võ thuật cổ truyền thành phố HCM được tiếp tục thành lập. Mãi đến năm 1991, liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam mới được thành lập. Hiện nay liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã quy tụ được trên 40 hội võ thuật ở các tỉnh, thành, ngành và thành phố trong cả nước với khoảng hơn 1000 HLV, võ sư cấp quốc gia đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của liên đoàn.

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.