Võ phái Võ Lâm Phật Gia bắt nguồn từ Võ Lâm Việt Nam, môn võ có nguồn gốc từ thời Lý, là kết tinh của Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Hai chữ “Võ Lâm”: chỉ tinh hoa đã chắt lọc được từ dòng võ cổ truyền Việt Nam với ý nghĩa môn sinh Võ Lâm không bao giờ quên Tổ quốc, đặt Tổ quốc trên hết. “Võ Lâm” còn chỉ biển võ học mênh mông như rừng như biển, môn sinh Võ Lâm nên tự biết sức mình mà luyện tập.
Hai chữ “Phật gia” chỉ cội nguồn môn võ xuất phát từ cửa thiền, dùng rèn thân – tu trí (ý nghĩa môn sinh Võ Lâm không bao giờ quên cội nguồn nơi mình đã sinh ra). Nó còn nhằm nhắc nhở môn sinh Võ Lâm luôn hành thiện trong đạo xử thế.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Võ Lâm Phái đã kế thừa một di sản võ học lớn trong kho tàng võ học Việt Nam. Võ Lâm Phái có bản sắc riêng biệt mà ít môn võ khác có được, là một võ phái hòa hiếu, chủ yếu dạy cho môn sinh cách rèn tập cơ thể và tu dưỡng đồng nhất Thân – Tâm. Lấy Tu thân – Dưỡng tính làm tôn chỉ, nền tảng của Võ Lâm Phật Gia được chia làm 3 tầng:
– Tầng Thượng: “Võ Đạo Hành Chỉ”, tương ứng với Thiên (Trời), là kim chỉ nam chỉ dẫn hành vi ứng xử của môn sinh Võ Lâm tự chiến thắng bản ngã làm chủ chính bản thân, nếu bất đắc dĩ phải sử dụng đến võ thuật thì đó chỉ là: “phát động chiến tranh để bảo vệ hòa bình”, nghiêm cấm sử dụng võ thuật bừa bãi
– Tầng Trung: “Võ Lý Kỳ Thư”, tương ứng với Nhân (Người), là phần tri thức mở mang kiến thức khoa học, Võ – Y – Lý – Dịch, sự hiểu biết đa phương diện mà người môn sinh cần phải có
– Tầng Hạ: “Võ Công Yếu Chỉ”, tương ứng với Địa (Đất), là phần phương pháp luyện tập võ công (võ thuật – công phu), rèn luyện thân thể thường xuyên của môn sinh để thân thể – trí tuệ được tráng kiện minh mẫn
Hệ thống kỹ thuật của Võ Lâm Phái được xây dựng trên nền tảng triết lý cổ truyền phương Đông, Âm Dương, Ngũ Hành, Thập Đại Hình Quyền. Đặc biệt coi trọng Ngũ Hình theo sự mô phỏng đặc tính của 5 loài vật là Long – Hổ – Báo – Xà – Hạc (Ngũ Hình Quyền) để phát triển năm phương diện sức mạnh theo cách thế phát triển để hoàn thiện toàn thân. Năm phương diện đó là : “Lực – Cốt – Tinh – Khí – Thần”, dựa vào Ngũ Hình Quyền để phát triển cả 5 phương diện “Báo quyền” luyện sức mạnh cơ bắp, sức bật, chủ luyện Lực. “Hổ quyền” luyện tập xương (cốt) tạo sức mạnh cơ bản. Hạc quyền luyện tập sự thăng bằng trầm tĩnh, đức tự chủ, chủ luyện Tinh. Xà quyền luyện thân pháp, eo lưng, tay chân mềm dẻo, linh hoạt, chủ luyện Khí. Long quyền chủ luyện gân sức, dẻo dai, sự nhu hòa, chủ luyện Thần. Trong đó Hổ quyền chuyên luyện “Ngạnh công”, Báo quyền – Long quyền chuyên luyện “Nhu công”, Xà quyền – Hạc quyền chuyên luyện “Miên công”.
Về phương diện võ thuật, công phu, nội khí công, Võ Lâm Phái sắp đặt cân bằng giữa nội và ngoại lực để phát triển hoàn thiện con người tâm minh, thể tráng trong sự sống (qui sinh), lấy con người làm chủ thể để rèn luyện, coi võ thuật chỉ là phương tiện để đưa con người đạt đến sự Chân – Thiện – Mỹ.
Đặc điểm nổi bật trong quyền thuật Võ Lâm Phái với lối đánh mượn lực, ít dùng sức, dẫn tiến lạc không rồi chế ngự đối phương, đặc biệt là “Thập bát chưởng công” là công pháp chí âm chí nhu chế ngự đối phương chỉ trong một chiêu thức.
Về khí giới trấn môn có Phượng Hoàng Kiếm, Long Phượng Đao, Long Hổ Thương … , các binh khí kỳ lạ là Long Vĩ Tiên, Phi Trảo, Thiết Lĩnh, Càn Khôn Nhật Nguyệt Đao … các binh khí này đều sử dụng phép lấy tĩnh chế động – lấy nhu thắng cương, chủ yếu là phòng thủ với các phép mượn sức người để chế ngự người.
Về đối kháng tự vệ có “Thất thập nghị thế dương thủ”, “Thất thập nghị thế âm thủ”, “Tiêu xích quyền” … chuyên đả phá huyệt môn tự vệ.
Về nội khí công phu có “Tiên Hạc Công”, “Phượng Hoàng Công”, “Long Phượng Hòa Minh Công” … là những công pháp đặc biệt mang tính thực tiễn chiến đấu hiệu quả cao, thúc đẩy nội khí cân bằng âm dương giúp người tập khu trừ bệnh tật – trường sinh khoản lão – tráng kiện minh mẫn – an vui trường thọ.
Về vấn đề đạo đức, tính truyền thống của dân tộc Việt Nam: “Võ Đức” trong Võ Lâm rất được coi trọng nhằm thúc đẩy tính tự hào dân tộc, tôn vinh dân tộc, có tinh thần trách nhiệm phụng sự tổ quốc – phụng sự nhân loại.
Môn võ tuyệt đỉnh của Võ Lâm là “Bất Chiến Tự Nhiên Thành”.