ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)

Luyện công sai có thể gây ra nhiều tai biến, nhẹ thì nhức đầu chóng mặt, nặng ngực, đau hông, trướng bụng, mỏi lưng, ớn lạnh, có thể nóng bừng, nặng thì nhồi máu cơ tim, chạy nhảy không ngừng, sa ruột, trĩ tinh thần phân liệt, điên cuồng, thường gọi là tẩu hỏa nhập ma. Ngoài ra chúng ta còn nghe ít nhiều về những người điên cuồng vì thiền.

Luyện tập Khí công

Luyện tập Khí công (Hình ảnh minh họa)

I. Nguyên nhân gây tai biến khi luyện công

 Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên có thể quy vào những nguyên nhân chính như sau:

– Tập không có thầy hướng dẫn.

– Có thầy hướng dẫn nhưng lại không nắm vững  yếu lĩnh của khí công, cũng như công pháp của bài tập.

– Bài tập không thích ứng với trình độ, sức khỏe, bệnh tình, hoặc cơ thể của người tập.

– Người tập “đứng núi này trông núi nọ”, nay luyện công pháp này mai luyện công pháp kia, hoặc mới bắt đầu đã tập ngay phần cao cấp, hoặc tự đổi công pháp.

– Người tập “đặt cái cày trước con trâu”, chưa tụ được khí đã dùng ý dẫn khí đi lung tung.

– Không biết vận dụng hỏa hầu, tập quá lâu, ví như cơm bị nấu khê khét vậy.

– Lúc luyện công đột nhiên bị kích động, giật mình, kinh hoàng, hoặc trong tâm trí hiện ra ma cảnh làm tinh thần hỗn loạn.

II. Phương pháp ứng phó khi luyện công sai

 Vậy phải làm thế nào để ứng phó với các tai biến đó? Đây là một vấn đề quan trọng, có thể làm cho những người hâm mộ khí công sợ hãi mà xa lánh môn này, làm họ mất đi một cơ hội cải thiện tình trạng sức khỏe và bệnh trạng của chính mình.

Việc ứng phó với các tai biến do luyện công sai có hai phần :

01- Loại trừ các nguyên nhân gây ra tai biến.

02- Điều trị các tai biến.

Đối với người luyện công, tập thiền, trước tiên phải trừ bỏ khuynh hướng thần bí hóa luyện công, và tập thiền. Nên chọn thầy giỏi, có kinh nghiệm chuyên môn để hướng dẫn. Sau đó cẩn thận tập luyện, tuân theo tự nhiên, tuần tự mà tiến hành. Muốn luyện công tốt nhất nên có thầy hướng dẫn. Thầy ở đây là thầy có khả năng thực sự, có kinh nghiệm trong việc luyện công và hướng dẫn người khác luyện công, dĩ nhiên người thầy phải có khả năng trị bệnh cho môn đồ. Người ta rất thận trọng khi chọn thầy để dạy nội công, khí công cho mình. Muốn loại trừ có hiệu quả các nguyên nhân gây ra tai biến phải làm tốt các điều vừa nói.

Còn việc điều trị các tai biến đã mắc phải thì phải tùy trường hợp mà định liệu, khó đưa ra trước liệu pháp cụ thể cho từng trường hợp. Tuy nhiên qua kinh nghiệm thực tế khi luyện tập, các  khí công sư cũng đã tổng kết và đưa ra một số giải pháp có hiệu quả cho các tai biến tổng quát.

Ở đây võ phái Võ Lâm chúng tôi xin trình bày một số phương pháp, và cách chữa chứng khí huyết ngưng trệ do luyện công sai lệch gây nên, đây chỉ là một số sai lệch do luyện công sai dẫn đến khí huyết và phủ tạng hoạt động rối loạn sinh ra tai biến nhỏ. Do phạm vi nguyên tắc tập luyện, võ phái Võ Lâm chúng tôi chỉ xin đưa ra các phương pháp này để người tập luyện tham khảo còn các trường hợp khác xin vui lòng đến bản môn để chúng ta cùng đàm luận và có phương pháp chữa trị một cách hiệu quả nhất.

III. Các hiện tượng tai biến và phương pháp chữa trị.

 III.1. Chữa trị bằng vận động, thở, và day ấn huyệt :

1- Thái sơn áp đỉnh (đầu nặng như núi đè).

 – Hiện tượng: Người tập cảm thấy khí tụ ở đầu, căng nhức và có cảm giác nặng nề.

* Phương pháp chữa trị: Có thể uốn nắn bằng cách tập các động tác khác để làm cho toàn thân, hoặc từng phần cơ thể chùng lỏng.

– Cũng có thể căn cứ vào thể chất của mình mà dùng biện pháp bổ khuyết lấy ngón tay ấn huyệt Thái dương, Phong khấp, Hợp cốc, Dũng tuyền mỗi huyệt 30-50 lần sẽ khỏi.

2- Tiền mạch ngưng niêm (căng nhức trước trán)

– Hiện tượng: Người tập cảm thấy khí tụ ở trước trán, có cảm giác như dán cao vào trán.

* Phương pháp chữa trị: Gặp tình trạng đó có thể chữa bằng cách đổi động tác sang tư thế “Vi đà hiến chử” (vì đà dâng chày) (công pháp dịch cân kinh) làm thư giãn một phần cơ bắp là có thể giải trừ được cảm giác đó.

– Cũng có thể dùng ngón tay bấm vào các huyệt Thượng tinh, Thái dương, Phong phủ và Côn lôn.

3- Khí khổn triền thân (toàn thân bức bối)

 – Hiện tượng: Người tập cảm thấy người hầm hập khí nóng.

* Phương pháp chữa trị: Tập tư thế “Phong bài liễu” (gió lay cành liễu).

– Hoặc dùng ngón tay ấn vào các huyệt Bách hội, Khúc trì, Khí hải, Tam lý…

4- Tâm ý hoảng loạn (hoảng hốt)

 * Phương pháp chữa trị: Chuyển sang tập tư thế “Hòa bình giá kỵ mã” (cưỡi ngựa trên giá), và thế “Hòa bình giá vọng nguyệt” (trông trăng trên giá) trong bài “Hành công tam thập nhất thức”.

–  Hoặc dùng ngón tay ấn vào các huyệt Nội quan, Thần môn, Tâm du và Tam lý…

5- Hung bối hàn nhiệt (ngực lưng nóng lạnh)

Hiện tượng: Người tập cảm thấy trước ngực, và lưng nóng hầm hập, hoặc lạnh run lên.

* Phương pháp chữa trị: Phải ngừng tập ngay lập tức. Nếu lạnh lưng ngực có thể lấy nước nóng lau tắm. Nếu nóng ngực lưng có thể tự dùng ngón tay ấn vào các huyệt Đại trùy, Phong trì, Khúc trì, Tam âm giao, là khỏi.

6- Hôn trầm tư thụy (mụ mị buồn ngủ)

 – Hiện tượng: Khi người luyện nằm, hoặc ngồi luyện, dễ thấy mê mụ buồn ngủ.

 * Phương pháp chữa trị: Người dạy, huấn luyện viên có thể dùng tay điểm vào các huyệt Nhân trung, Bách hội, Hợp cốc … của người đang tập là có thể tỉnh ngay.

7- Thoái bộ ma mộc (chân đùi tê cứng)

 Phương pháp chữa trị: Dùng ngón tay ấn vào các huyệt Dương lăng tuyền, Tam lý… là khỏi

8- Đầu khẩn thiệt cường (đầu căng lưỡi cứng)

– Hiện tượng: Người tập cảm thấy đầu căng chướng, lưỡi cứng không nói được.

* Phương pháp chữa trị: Chữa bằng cách tập sang tư thế “Phong bài liên”, “Bát đoạn cẩm”, “Nhu quyền”.

– Hoặc dùng ngón tay ấn vào các huyệt Giáp xa, Bách hội, Hợp cốc, một lát sau sẽ trở lại bình thường.

9. Đan điền cổ chướng (đan điền cương trướng)

– Hiện tượng: Người tập cảm thấy hơi tụ ở vùng dưới rốn (đan điền), bụng dưới cương trướng.

* Phương pháp chữa trị: Ấn vào các huyệt Thiên khu, Khí hải, Tam lý và Dũng tuyền.. Lát sau sẽ thấy đỡ dần.

10- Khí cô xung quán (Thở dốc)

 – Hiện tượng: Người tập cảm thấy khí bốc lên, khi thở ra cứ như không khí phụt ra mồm, khi hít vào thì cứ thấy luồng không khí chảy thẳng xuống đan điền, dẫn đến sự hoảng loạn.

 * Phương pháp chữa trị: Chuyển sang tập động tác khác hoặc thở một cách tự nhiên, cũng có thể dùng tay điểm các huyệt Thần môn, Khí hải, Tam lý, Dũng tuyền thì có thể trở lại bình thường.

11- Phạm vị dục thổ (Bụng nôn nao muốn nôn)

– Hiện tượng: Người tập cảm thấy hơi thốc ngược lên, bụng dạ nôn nao, lợm giọng buồn nôn.

* Phương pháp chữa trị: Chuyển sang ngọa thiền, hoặc dùng ngón tay ấn lên các huyệt Trung quản, Khí hải, Tam lý…

III.2. Dụng dược phẩm chữa trị (dùng thuốc đông y)

 “Đói ăn rau  – đau uống thuốc”. Thuốc rất cần thiết để trị bệnh, tai biến do luyện công sai và dùng trợ giúp cho người luyện công để thông khí huyết kinh mạch, dùng thuốc trước khi luyện công để khí huyết lưu thông không bị ứ trệ, khí hành suôn sẻ, và còn giúp tay chân người tập thêm cứng chắc, tránh bầm dập đau đớn. Vì tai biến do luyện tập sai có nhiều loại, thuốc luyện công cũng có nhiều loại, nên không thể đưa ra phương thuốc mẫu để áp dụng được.

Nếu quý vị nào luyện công có xảy ra tai biến do tập luyện, hoặc luyện công bị tai biến cần dùng thuốc nên đến các hiệu thuốc đông y có uy tín, nhờ lương y khám, chỉ dẫn, điều trị, hoặc liên hệ với chúng tôi để thuận tiện cho việc luyện công giúp người tập đạt kết quả cao.

 

Tiết Vũ Thủy, Thanh Nhàn, Hà Thành.

 (Ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân)

Ngày 19 tháng 2 năm 2016.

Võ sư : Lý Băng Sơn.

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam).

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.