Chưởng môn phái ‘nhường ba đòn’ và màn nhập môn nhớ đời

Khi vừa nhảy vào tung chưởng ứng cứu, bỗng vị sư phụ tôn kính “co chân” bỏ chạy. Bị vây hãm bởi 4-5 người tay lăm lăm gậy gộc, Sơn chỉ biết vừa ra tay chống đỡ, vừa nuốt nước mắt uất hận cố tìm đường thoát thân…

Trong giới võ Việt phía Bắc, Võ lâm phật gia là một trong những môn phái có lực lượng môn sinh hùng hậu nhất. Đặc điểm kỹ thuật của Võ lâm phật gia được xây dựng trên nền tảng nguyên lý âm dương-ngũ hành, triết lý của võ học cổ truyền Đông phương dựa trên nền tảng ngũ hình quyền: “Hổ-Báo-Long-Xà-Hạc”.

Trong đó Hổ quyền luyện tập xương cốt tạo sức mạnh cơ bản, chủ luyện “Cốt”. Báo quyền luyện sức mạnh và cơ bắp, sức bật và tốc độ, chủ luyện “Lực”. Long quyền luyện gân sức, sự dẻo dai nhu hoà, chủ luyện “Thần”. Xà quyền luyện thân pháp, eo, lưng, tay chân mềm dẻo, linh hoạt chủ luyện “Khí”. Hạc quyền luyện sự thăng bằng trầm tĩnh, chủ luyện “Tinh”. Trong đó Hổ quyền luyện “Ngạnh công”, Báo quyền , Long quyền chủ luyện “Nhu công”, Xà quyền, Hạc quyền chủ luyện “Miên công”.

Tuy nhiên, để có được những bài học bài bản và vẹn toàn như hiện nay, chưởng môn phái Võ lâm phật gia là võ sư Băng Sơn đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng gian nan tầm sư học đạo. Con đường võ học của ông đã trải dài gần 40 năm nhưng để đạt được tiếng tăm như ngày nay là cả sự hy sinh gian khổ, mồ hôi, công sức và không ít lần đổ máu mà thành…

Chưởng môn phái 'nhường ba đòn' và màn nhập môn nhớ đời
Chụp lại từ ảnh tư liệu.

Suýt bị bố mẹ “từ mặt” vì học võ

Ngay sau đêm trăng được ông cụ người Hoa mở lời thu nhận truyền lại võ học, lúc bấy giờ cậu bé Băng Sơn chỉ đến thỉnh thầy một tuần được 1 đến 2 buổi, không bao giờ học quá 3 buổi.

Thời bấy giờ, từ nhà Sơn đến khu Trại Nhãn là cả một quãng đường gian nan. Không có phương tiện, Sơn phải bắt tàu điện rồi đi bộ cả một quãng đường dài, đến được nhà sư phụ ít nhất cũng mất cả giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, mỗi buổi đi học ấy, để “che mắt” cha mẹ, Sơn toàn phải trốn đi học khi trời đã nhá nhem tối. Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, sau hơn 1 tháng thì việc học võ bị bại lộ.

Vốn là cha mẹ Sơn thấy cậu con bỗng thay đổi tính khí, bạ đâu là sẵn sàng “tung chưởng”. Hết cái cây trước nhà, lại đến cái dây phơi khăn mặt, thi thoảng cu cậu lại nhảy phốc lên “đấm đá”. Cộng với việc thường xuyên về muộn, lại vốn cũng là người theo nghiệp võ, cha Sơn nhìn là biết ngay. Sau khi vặn vẹo tra khảo, không khó để cậu bé Sơn “nhỡ miệng” mà “khai”.

Sau lần thú nhận ấy, Sơn bị bố mẹ bắt nằm xuống và đánh cho một trận nhừ tử. Việc học võ cũng vì thế mà gián đoạn gần 2 tháng. Mặc cho Sơn năn nỉ, khóc lóc, bố cậu vẫn nhất quyết khước từ nguyện vọng của con.

“Đúng lúc đang say sưa luyện tập thì bị cấm hãm, vì thế hai tháng bị “giam lỏng” ấy tưởng như là cả một quãng thời gian dài dằng dặc. Cứ mỗi lần lăm le xin bố, ông lại lăm lăm cái roi trên tay mà lớn tiếng quát mắng: Xã hội không chấp nhận những chuyện võ vẽ như thế. Chỉ những đứa hư thân mất nết mới học võ. Chỉ cho mày con đường học hành tử tế thì mày không nghe, mày còn ngoan cố thì tao đánh chết, tao từ mặt…”, võ sư Sơn nhớ lại.

Tuy nhiên, những trận đòn roi của bố chẳng nhằm nhò gì với khao khát học võ, vì thế, một vài ngày sau, Sơn lại lén trốn đi. Mỗi lần về bị bố tóm được là thêm một trận đòn no. Vài lần như thế, Sơn quyết định tá túc nhà anh chị họ để… trốn.

Biết không có cách nào tách cậu con trai quý tử với võ vẽ, bố mẹ Sơn quyết định “nhún nhường”, ra điều kiện, nếu cho gặp thầy dạy võ thì mới đồng ý. Tuy nhiên, khi Sơn đề nghị với ông cụ người Hoa, cụ khoát tay từ chối ngay mà rằng: “Ta dạy con thì chỉ biết đến con”.

Võ sư Sơn lý giải, có thể đó là do nếp nghĩ riêng của người Hoa mà kể cả sau này ông cũng không thể giải thích nổi. Chỉ biết rằng sau đó, trước bản tính ngang bướng, “bất trị” của cậu con trai, bố mẹ Sơn đành miễn cưỡng gật đầu đồng ý, nhưng vẫn dặn dò không được xao nhãng chuyện học hành.

Nỗi hận của cậu học trò và màn thử tài nhập môn nhớ đời

Theo học khoảng vài năm, năm ấy Sơn khoảng 17 tuổi, 18 tuổi, được thầy rủ đi ra ngoại thành Hà Nội, nói là đi chơi cùng thầy. Giờ nhớ lại, võ sư Băng Sơn cũng chỉ mang máng hình dung được khoảng mạn Cầu Giấy, hoặc Nhổn bây giờ, là một vùng đất rất heo hút.

Dựng xe trước hiên một ngôi nhà lạ, ông cụ người Hoa bảo Sơn ngồi uống nước đợi thầy. Thấy chuyện của người lớn nên Sơn cũng không mảy may quan tâm. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau thì cậu giật mình bởi tiếng người cãi lộn ầm ĩ, rồi những tiếng huỳnh huỵnh xô xát.

Không hiểu chuyện gì, Sơn chỉ thấy “nhóm chủ nhà” gồm 4, 5 người vừa tay bắt mặt mừng với thầy mình bỗng dưng đằng đằng sát khí, tay lăm lăm gậy gộc, quây thầy vào góc tường. Không chần chừ, Sơn liền nhảy phốc vào nhà, tung chưởng ứng cứu thầy.

Tuy nhiên, chỉ sau vài đòn, ông cụ người Hoa bỗng bỏ lại bị gậy mà… co cẳng chạy trốn. Trong vài phút, cậu bé Sơn vốn luôn tôn kính thầy mình bỗng dưng sụp đổ. Cậu chưa từng thấy thầy mình như thế bao giờ. Cậu chỉ biết vừa cố gắng chống đỡ những miếng đòn dồn dập của gậy gộc, của nắm đấm, vừa cố gắng trốn chạy khỏi đám người lạ, vừa nuốt nước mắt uất nghẹn nơi lồng ngực.

Sau một hồi chống đỡ, xây xẩm mặt mày, cuối cùng Sơn cũng tìm được đường thoát thân. Cậu cứ thế cắm đầu chạy một mạch, trong đầu khi ấy tràn ngập những suy nghĩ… hận thầy. Cậu quyết định tìm về nhà thầy để hỏi cho ra nhẽ. Tuy nhiên, về đến nhà thầy thì vắng tanh, không một bóng người. Cậu cắn môi nén giận, vừa trở về nhà, vừa quyết tâm sẽ không theo học võ nữa.

Chưởng môn phái 'nhường ba đòn' và màn nhập môn nhớ đời
Võ sư Băng Sơn trong một lần biểu diễn võ thuật.

Thế nhưng khi trở về nhà, dù có nằm mơ, cậu cũng bật dậy thổn thức. Cậu vẫn không hiểu tại sao người thầy đáng kính dìu dắt mấy năm trời, người ân nhân cứu mạng hôm nào lại… đối xử với cậu như thế. Nửa tháng sau, cậu quyết định tìm đến nhà sư phụ để quyết hỏi “ra ngô, ra khoai” rồi xin nghỉ.

Nhưng khi vừa tìm đến nhà sư phụ, từ đằng xa cậu đã loáng thoáng nghe thấy những tiếng nói cười ồn ã. Bước vào nhà, khi ấy đã có gần hai chục người đang tổ chức ăn uống đình đám, hương ngói nghi ngút. Cậu đẩy cửa bước vào, mặt hầm hầm tức giận không nói lên lời, đã thế vừa nhìn thấy cậu, sư phụ đã bật lên cười ha hả: “A San (Sơn gọi theo tiếng Trung Quốc) nó đến rồi!” càng khiến nỗi uất giận của cậu học trò dâng lên gấp bội.

Ông cụ thân mật, lại gần: “Con có giận ta không?”. Lúc này, cơn giận chưa nguôi, cậu học trò mặt vẫn đằng đằng sát khí, cúi mặt hầm hầm không đáp lời.

Đám đông đang cười nói bỗng nhiên im bặt, tiếng ông cụ dõng dạc: “Đây là sư thúc và huynh đệ đồng môn. Chuyện hôm trước là để bá thử con thôi. Hôm nay, trước mặt toàn thể sư môn, ta chính thức cho con làm lễ nhập môn”. Bây giờ, Sơn ngẩng lên mới thấy mấy người quen quen, đích thị là những người đã dùng gậy gộc nện cho cậu một trận “ra trò” bữa trước. Lúc này cậu mới hiểu rằng, chuyến đi chơi lần trước thực chất đều là do sư phụ sắp đặt để thử lòng can đảm, xem cái đức trọng sư cũng như thử quyền cước mà bấy lâu cậu khổ công tập luyện như thế nào.

“Trong võ học cổ truyền, sau khi thu nhận đệ tử đến một giai đoạn nào đó học trò mới được phép rót trà, dâng rượu cho thầy và thắp hương trên bàn thờ sư tổ. Tôi được thầy đặt pháp danh là Lý Băng Sơn, và chính thức tuyên bố tôi là con nuôi”, võ sư Băng Sơn kể lại.

Bí kíp luyện công

Sau bữa ấy, Sơn được chế độ đặc biệt hơn, tức là thầy trực tiếp chỉ dạy. Một năm sau, khi tròn 18 tuổi, như nhiều thanh niên trai tráng của Hà Nội thời bấy giờ, cậu nhập ngũ và trở thành lính trinh sát.

Trong lúc đi lính, ngoài những thời gian tham gia những trận chiến giáp lá cà cậu vẫn không quên võ học. Cũng chính trong thời gian hành quân đi qua nhiều vùng miền của tổ quốc, cậu được thỉnh giáo nhiều môn võ học khác khắp đất Việt.

Cậu vẫn nhớ trận tỷ thí, giao hữu với người Nùng trên Bát Xát và Mường Khương. Những trai tráng miền sơn cước ấy, bắp tay bắp chân chắc nình nịch. Cậu bị dính một cú đấm vào vai, mà đến nửa tháng trời còn bầm tím.

Cũng từ những trận giao hữu ấy, cậu phát hiện một điều mà trước đây cậu xem nhẹ: Học võ chỉ thiên về chiêu thức không giải quyết được vấn đề, bắt buộc phải có công phu. Dù cho kỹ năng thuần phục đến mấy mà không đủ lực cũng không làm gì được.

Chưởng môn phái 'nhường ba đòn' và màn nhập môn nhớ đời
Chưởng môn phái 'nhường ba đòn' và màn nhập môn nhớ đời
Võ sư Băng Sơn biểu diễn Túy quyền.

Những thời gian rảnh, cậu quyết tâm luyện công phu cho vững chãi. Bộ quần áo bộ đội cậu buộc ống quần đổ cát trong đầu gối tập chạy tập đá, chạy đấm. Một thời gian sau, quả thấy thay đổi hơn nhiều. Trước kia, nếu dùng tay đấm vào cây chuối cũng thấy đau, nay cậu chỉ cần vung tay là đạp đổ.

Cậu cũng nhận ra một cách tập quyền rất hiệu quả, ấy là tập quyền dưới suối. “Tôi thường chọn nơi nước ngang ngực, nước càng chảy siết càng tốt. Điều đặc biệt khi luyện thủy quyền là bắt ta phải thắng lực cản của nước cộng với chỗ đứng trơn trượt đòi hỏi người tập phải luyện được khả năng giữ thăng bằng cao. Và hơn hết là không bị ngoại thương.

Địa khí và thủy khí tác động cực lớn đến tâm trạng con người. Gần dòng nước, dòng điện trường cũng cực mạnh, thúc đẩy luyện tập nhanh hơn (tập ở suối hoặc mỏm đá, nước chảy ngầm ở dưới, điện trường mạnh hơn). Thời gian tập luyện thường là buổi tối, sau khi cả đơn vị đi ngủ, tĩnh lặng.

Quả nhiên, sau 1 năm luyện tập thấy công lực của mình tăng lên bội phần, đòn cũng tăng sức nặng lên nhiều”, võ sư Sơn bộc bạch.

Tuy nhiên, những ngày tập luyện vất vả này chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi ngày tầm sư của võ sư Băng Sơn. Con đường đi đến việc thành lập và hoàn thiện hệ thống 152 thế võ cơ bản còn là cả một chặng đường dài…

(Còn nữa)

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam

Filed in: Chuyện làng võ

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.