Nói về phương pháp tập luyện khí công không thể không biết tới các yếu tố và các quá trình trong luyện công. Trong Võ Lâm các quá trình đó là: “Tam điều” – “Tứ trình” – “Ngũ khâu” – “Tam cấp” trong luyện công.
I. Yếu tố tam điều trong luyện công
Ba yếu tố không thể không biết của khí công còn gọi là “Tam điều” là: “Điều tâm” – “Điều tức” – “Điều thân”. Ba yếu tố này hiện diện trong mọi phương pháp khí công từ dễ đến khó từ thấp đến cao như thế chân vạc. Điều này chứng tỏ khí công là một phương pháp tập tâm thể toàn diện.
1. Điều tâm (Thập tam tâm trình)
Điều tâm tức là điều chỉnh ý niệm hệ ý thức, (tham khảo thêm phần “Căn bản khí công”- Tài liệu Dịch học âm dương ngũ hành trong khí công đối với sức khỏe con người ). Nguyên tắc đầu tiên trong điều tâm là điều chỉnh cho xuất hiện các phản xạ tự nhiên. Điều tâm có các mười ba bước gọi là “Thập tam tâm trình”quá trình đó diễn ra như sau:
1.1- Bình tâm.
Bình tâm là trạng thái tinh thần bình ổn, thoải mái. Nhưng làm thế nào để bình tâm? Điều phải làm cho âm thần, dương thần và nguyên thần là 3 hệ thống mật mã của tư duy hài hòa nhất trí với nhau. Muốn 3 hệ thống này không mâu thuẫn với nhau thì phải cố gắng mọi cách làm khí âm dương thăng bằng trong cơ thể. Muốn có bình tâm, ngày ngày phải tôi luyện tính cách, giữ thăng bằng khí âm dương trong cơ thể.
1.2 -Đạm tâm.
Đạm ở đây là chữ “Đạm” trong điềm đạm hư vô. Sau khi bình tâm, còn phải loại trừ những tạp niệm vừa xuất hiện để đạt được “Tam tư qui nhất”, tức là luôn quy tụ 3 hệ thống mật mã của ý thức tư duy trong con người.
1.3 -Thu tâm.
Thu tâm là thu ý niệm vào một bộ phận nào đó của cơ thể , ví như thu vào Đan điền, Mệnh môn, Dũng tuyền, vv… Trong thu tâm điều quan trọng nhất là thu các phản xạ tự nhiên. Để thu 3 hệ thống mật mã của ý thức tư duy quy vào một bộ phận nào đó bên trong cơ thể, điều này phải trải qua sự rèn luyện mới làm được chứ không phải muốn là làm được ngay.
1.4 -Chế tâm.
Chế tâm tức là khống chế những ý nghĩ xuất hiện một cách tự nhiên trong luyện công. Chẳng hạn khi xuất hiện tự phát công có biên độ khá lớn thì hãy thở sâu 1 cách tự nhiên, dần dần khống chế lại.
1.5 -Tùng tâm.
Tùng tâm là theo dõi ý niệm một cách tự nhiên, trước hết không nên dùng ý niệm căng thẳng quá, rồi phải tiến tới như có như không, như thực như không, mơ mơ, màng màng, phảng phảng, phất phất, phải chú trọng thả lỏng ngũ quan, cửu khiếu, có như vậy mới tùng tâm
1.6 -Phóng tâm.
Phóng tâm nghĩa là đặt ý niệm ở một bộ phận nào đó một cách vững chắc bình ổn, đặt cả 3 hệ thống mật mã, ý thức, tư duy vững vàng trên bộ phận đó.
1.7- Điều tâm.
Điều tâm là không ngừng điều chỉnh ý niệm bản thân, điều chỉnh sao cho ý niệm càng vững càng tốt.
1.8 -Định tâm.
Định tâm trong phật giáo gọi là định tâm trụ niệm. Sau khi điều tâm trong cơ thể hoặc đại não xuất hiện các cảnh vật, cần giữ chắc những phản xạ tự nhiên đó, khéo léo giữ chặt ở 1 chỗ nào đó trên cơ thể người như hạ Đan điền, Ngọc chẩm, Mệnh môn vv…
1.9 -Tiêu tâm.
Sau định tâm cần phải tiến thêm một bước nữa là tiêu tâm. Tức là đầu óc không còn vấn vương một chút suy nghĩ nào cả để ý thức biến thành hư không.
1.10 -Hiển tâm.
Khi thực sự điều chỉnh tốt được những phản xạ tự nhiên thì gọi là hiển tâm.
1.11 -Dụng tâm.
Sau khi điều chỉnh tốt những phản xạ tự nhiên xong cần phải bồi dưỡng nó, thuận theo nó, đó là dụng tâm, có như vậy mới dùng các phản xạ tự nhiên trong thực hiện công phu được.
1.12 -Hành tâm.
Hành tâm là giai đoạn để các phản xạ tự nhiên không ngừng vận động lên xuống trong ngoài cơ thể. Khi đó không những có thể thực hiện các vận động tự nhiên trong cơ thể mà còn có thể lấy khí ở ngoài vào.
Khi sử dụng các phản xạ tự nhiên, không nên hoàn toàn khống chế mà phải có ý thức để nó diễn ra ở những nơi rất xa hoặc những nơi rất gần, không ngừng thực hiện việc lấy khí. Trong công phu khí công có “Ngũ bảo thuật” và “Bát quái thuật”. Ngũ bảo ở đây là : “Địa”;”Không”;“Thủy”;“Hỏa”;“Phong”. “Không” ở đây có thể coi là khoảng không vũ trụ. Ngũ bảo cộng thêm “Nhật”-“Nguyệt”-“Minh” gọi là “Bát quái” hay còn gọi là “Bát khí”.
Luyện công chính là lúc lợi dụng các phản xạ tự nhiên để cố hết sức lấy khí, tận dụng khí tinh hoa của các thành tố : Địa, Không, Thủy, Hỏa, Phong, Nhật, Nguyệt, Tinh.
Lúc lấy khí cần phải để phản xạ tự nhiên diễn ra bình thường,
để không ngừng lấy khí. Lấy khí xong lại trở về, trở về xong lại đi lấy khí, như thế là hành tâm.
1.13 -Minh tâm.
Sau khi xuất hiện các phản xạ tự nhiên, thì đối với cái gì cũng nhận thức rõ ràng, hiện tượng đó gọi là minh tâm. Khi luyện đến bước này mới có thể điều khiển phản xạ tự nhiên thực hiện các công phu. Một khi thực hiện được công phu theo phản xạ tự nhiên thì năng lượng hấp thụ sử dụng được sẽ vô cùng to lớn, vì cơ thể đã hấp thu thông tin năng lượng của mật mã di truyền của vạn đời tổ tông thời trước kia.
Các quá trình điều tâm nói trên phải đi dần từng bước mới tiến lên được trong luyện công. Điều tâm có một vai trò vô cùng quan trọng vì nó là điểm trọng yếu của việc luyện các công phu trung và cao cấp. Luyện công điều chỉnh được đến mức đã có phản xạ tự nhiên thì lúc ấy mới thật sự đi vào thế giới của khí công. Lúc ấy mới có thể điều tâm theo ý muốn được. Muốn điều tâm theo ý muốn được trước hết phải “Trọng đức”. Chỉ có thực hiện tốt, lấy “Trọng đức” làm gốc mới có thể hiểu được thế nào là phản xạ tự nhiên, mới có thể vận dụng nó theo ý muốn để thực hiện công phu.
Sau khi xuất hiện phản xạ tự nhiên, làm thế nào để điều chỉnh được nó? Đối với những người mới học thì không thể hiểu được khái niệm hiện tượng này. Điều này cũng không sao. Khi bắt đầu nhập môn nếu chưa có phản xạ tự nhiên thì hãy bắt đầu từ việc “Trọng đức”. Ngoài ra còn phải luyện cho được Tùng; Tĩnh; Tự nhiên. Từ đó cố hết sức điều chỉnh ý niệm, điều chỉnh cho đến khi xuất hiện trạng thái thanh tịnh vô vi là được.
2. Điều tức
Điều tức nghĩa là điều chỉnh hô hấp. Đây là biện pháp quan trọng cho điều tâm, là bước thứ hai trong luyện công. Điều tức có thể khiến các bộ phận, các khí quan xảy ra những biến đổi đặc biệt (không kể đại não). Luyện não chủ yếu xảy ra khi điều tâm, đó là khâu chủ yếu nhất trong luyện công. Tuy vậy người luyện công cũng không thể sơ xuất trong điều tức bởi vì con người muốn tồn tại cần phải có O2 và các loại vật chất khác. Cho nên người luyện công phải hiểu: “luyện công không chỉ là luyện đại não mà phải luyện toàn thân”. Mặt khác, điều tức cũng hỗ trợ thêm cho điều tâm. Trong luyện tập khí công có rất nhiều phương pháp điều tức. Ở đây Võ Lâm Phái chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số phương pháp chủ yếu.
2.1 -Hô hấp tự nhiên.
Hô hấp tự nhiên là người mới luyện công có thể dùng phương pháp thở tự nhiên, cố gắng làm tốc độ hô hấp dần dần chậm lại một cách tự nhiên.
2.2 -Hô hấp ngũ âm.
Hô hấp ngũ âm là hô hâp qua năm thứ: Tiếng khóc; Tiếng cười; Tiếng hô; Tiếng hát; Tiếng hừ.
2.3 -Hô hấp ngũ hưởng.
Hô hấp ngũ hưởng bao gồm các loại hô hấp âm thanh giống như các loài muông thú và loại giống như âm thanh của các vật thể trong giới tự nhiên vv… Trong cách hô hấp này những loại âm thanh đó hoàn toàn xuất hiện một cách vô tình chứ không phải hữu ý cố gắng. Khi hô hấp, toàn thân đều phối hợp làm động tác. Những âm thanh này phát ra giống như trong tự nhiên.
2.4 -Hô hấp thanh nhạc.
Hô hấp thanh nhạc có thể chia ra theo ngũ âm: “Giốc (mộc) – Chủy (hỏa) – Cung (thổ) – Thương (kim)– Vũ (thủy)”. Khi luyện công đến một mức nào đó thì nội tạng trong cơ thể có thể phát ra những âm thanh như âm nhạc.
2.5 -Hô hấp đạt ý.
Hô hấp đạt ý tức là ý đến chỗ nào thì khí được dẫn đến chỗ ấy ví như Đan điền, Dũng tuyền, vv…
2.6 -Hô hấp ý khí.
Hô hấp ý khí là hô hấp vừa dùng ý thức dốc sức trút khí vào một chỗ nào đó. Đây là phương pháp hô hấp hay được dùng trong khí công võ thuật.
2.7 -Hô hấp ý khí lực.
Hô hấp ý khí lực là cách hô hấp dụng khí, dụng ý, dụng lực để hô hấp, thường được dùng luyện tập ngạnh khí công trong võ thuật.
2.8 -Hô hấp sâu.
Khi luyện công đã tiến bộ cần cố gắng hô hấp sâu hơn, dài hơn, mịn hơn, đều hơn. Số lần hô hấp trong một phút giảm dần: 16 lần/phút (bình thường) xuống 10 lần rồi tới 3 lần thậm chí 1 lần/ phút, nhưng phải thuận theo tự nhiên không được khiên cưỡng.
2.9 -Hô hấp bụng.
Phương pháp hô hấp này gồm 2 phương pháp thở : hô hấp bụng thuận (thở bụng thuận), và hô hấp bụng nghịch.
– Hô hấp bụng thuận là lúc hít vào thì bụng phình lên, lúc thở ra thì bụng xẹp xuống.
– Phương pháp thở nghịch là lúc hít vào bụng xẹp xuống, lúc thở ra bụng phình lên.
Phương pháp thở bụng có tác dụng xoa bóp nội tạng, đặc biệt là xoa bóp dạ dày, ruột, gan, mật. Quá trình hô hấp đó giúp điều chỉnh công năng tiêu hóa và công năng khác. Hai phương pháp thở bụng này rất thích hợp với người mới luyện công và những người có bệnh. Trong quá trình thực tiễn luyện công có một số bệnh đã được chữa khỏi bằng phương pháp này.
2.10 -Hô hấp bằng mũi, mồm.
Hô hấp đều bằng mũi, hoặc hô hấp bằng cách kết hợp vả mồm, mũi, hoặc hô hấp bằng miệng, để âm thanh phát ra từ kẽ răng vv… Những phương pháp hô hấp này đều phù hợp với tất cả mọi người. Người luyện xem quen phương pháp nào, phù hợp phương pháp nào, thì luyện phương pháp ấy.
Tóm lại các phương thức hô hấp khí công có nhiều nhưng ở đây Võ Lâm chúng tôi chỉ xin nêu 10 phương thức căn bản thường dùng nhất. Thông thường người luyện công dùng phương pháp hô hấp tự nhiên rồi sau đó dùng phương pháp hô hấp sâu, hoặc thở bụng đều được. Còn đối với những người luyện võ thuật nên sử dụng phương pháp hô hấp “Ý- Khí- Lực”. Nói chung tập khí công cần có các bậc chân sư chỉ dạy chứ không nên tùy ý tự tập.
3. Điều thân.
Điều thân là điều chỉnh hình thái cơ thể bao gồm điều chỉnh tư thế, chân, tay, điều chỉnh ngũ quan (tai, mắt, mũi, miệng, lưỡi), nội tạng, điều chỉnh tư thế toàn thân. Nhưng điều chỉnh như thế nào là đúng ? Điều chỉnh đúng, là điều chỉnh đến mức cảm thấy dễ chịu nhất, hoặc đến mức khó chịu nhất, đó chính là nguyên tắc điều chỉnh trong khí công.
Điều thân là điều chỉnh hình thể bên ngoài của cơ thể, của hình thể, của chân tay, trong đó bao hàm cả điều chỉnh để nội tạng ở một tư thế nào đó ví như ngọa công thì trong tư thế đã bao hàm cả điều chỉnh cơ thể lẫn nội tạng. Tọa công bao hàm cả điều chỉnh eo, đầu, cổ, đùi, tay. Khi luyện công nếu bỗng cảm thấy tư thế bộc phát nào cảm thấy dễ chịu nhất thì cứ nên luyện công theo tư thế đó cũng không sao. Tư thế điều chỉnh lý tưởng nhất là do phản xạ tự nhiên mà có.
Điều thân chỉ là khâu thứ ba, còn quan trọng nhất vẫn là dùng ý niệm để khống chế nội tạng biến hóa không ngừng. Muốn đạt được như vậy phải qua quá trình luyện rèn cực kì khắc khổ. Điều tâm đến khi điều chỉnh được phản xạ tự nhiên để “Hành tâm” thì lúc đó không cần câu nệ vào tư thế nào đó nữa vì lúc đó chân khí trong cơ thể đã được ra ngoài để thải khí, như thế tức là hành công thực hiện công phu rồi. Luyện công như vậy hiệu quả mới có thể nâng cao được.
II. Tứ trình – Ngũ khâu – Tam cấp trong luyện công. (Bài 8)
1. Tứ trình
Trong luyện công thường có 4 quá trình, đó là:
– Luyện tinh hóa khí
– Luyện khí hóa thần
– Luyện thần hoàn hư
– Luyện hư hợp đạo
Trong mỗi quá trình lại có 13 mặt: Điều khí, Thông khí, Thanh khí, Tuyên khí, Cố khí, Dưỡng khí, Hành khí, Thái khí, Tụ khí, Hóa khí, Khí hóa, Dụng khí, Khí dụng. Cả tứ trình tổng hợp lại sẽ có 52 mặt. Chúng tôi xin trình bày về nội dung của 13 mặt điều chỉnh và tăng cường công năng của các nội tạng trong cơ thể.
1.1 -Điều khí.
Dùng công năng của can để điều chỉnh khí của toàn thân. Muốn điều chỉnh khí phải dùng tốt công năng của mắt, cần chú ý luyện tập đôi mắt.
1.2 -Thông khí.
Muốn thông khí cần phải rèn luyện tâm và đại não, phải dùng thêm ý niệm trong luyện công để thông khí.
1.3 -Thanh khí.
Luyện tỳ để thanh khí làm sạch khí, đặt ý niệm ở tỳ, ở chân tay (vì tỳ biểu hiện ở chân tay)
1.4 -Tuyên khí.
Luyện công năng của phế. Dùng phế và huyết mạch của toàn thân để thúc đẩy khí vận động tới khắp nơi (Tuyên khí).
1.5 -Cố khí.
Cố nghĩa là nắm giữ.
Tăng cường công năng của thận. Khi luyện công chú ý niệm để ở thận có thu khí vào trong mới có thể có khí được.
Năm bước luyện tập trên nhằm điều chỉnh công năng của ngũ tạng trong cơ thể khiến cho công năng của nội tạng và ngoại khiếu: như : mắt, tai, mũi, lưỡi, môi, da, lông đều được điều chỉnh và tăng cường.
Trong đó:
– Điều khí phải chú ý đến can mắt.
– Thông khí chú ý đến tâm, lưỡi.
– Thanh khí phải chú ý đến tỳ, tứ chi và môi.
– Tuyên khí phải chú ý đến phế bao gồm cả huyết mạch và da lông bên ngoài thân thể.
– Cố khí tức là cố thận, bao gồm việc chú ý đến tai, vì thận khai khiếu ở tai.
Có làm được như vậy mới có thể rèn luyện chân khí trong các nội tạng bằng nhiều phương thức.
1.6 -Dưỡng khí.
Đưa tinh thần về trạng thái tâm bình khí hòa để chuyển dần chân khí đến khắp toàn thân trong quá trình luyện công. Đó là dưỡng khí.
1.7 -Hành khí
Hành khí có nghĩa như vận khí, đạo dẫn khí. Hành khí phải nhanh, khiến cho khí không ngừng vận chuyển lên xuống, sang phải sang trái trong cơ thể.
1.8 -Thái khí.
Có nghĩa là thu lượm, hái lấy, hút lấy.
Trong quá trình hành khí phải không ngừng thái khí làm xuất hiện các phản xạ tự nhiên để thái khí.
1.9 -Tụ khí.
Tụ những khí đã lấy (thái) được vào tam điền (thượng, trung, hạ đan điền) và những bộ vị nhạy cảm khác. Chỗ nào có phản ứng thì tụ khí đến nơi đó. Khi chưa giải quyết xong bệnh thì nơi nào có phản ứng là nơi đó có bệnh.
1.10 -Hóa khí.
Nếu khí đã tụ lại thì phải hóa khí, tức là đem những khí đã tụ được chuyển hóa đều tất cả mọi bộ vị, mọi kinh lạc trong cơ thể.
1.11- Khí hóa.
Khí hóa là dùng những khí đã hóa khắp toàn thân thể đem trở ra để thực hiện công phu làm khí trong toàn thân mạnh lên. Đó là quá trình chuyển hóa, giải phóng, tịnh hóa và tự khống chế.
1.12 -Dụng khí.
Dụng khí là dùng chân khí đã luyện được đem ra thực hiện công phu.
1.13 -Khí dụng.
Khí dụng là giai đoạn cuối cùng, có thể dùng “ Chân khí” để thực hiện công phu 1 cách tự động.
Người luyện công phải không ngừng luyện đi, luyện lại các bước này, thực hiện luân phiên, hết nén, ép khí, lại mở, phóng chúng ra. Luyện được một bước là thăng tiến công phu một bước, càng luyện càng đạt đến chỗ tinh hoa. Luyện đến mức cuối cùng sẽ tạo thành vật chất chứa năng lượng cao gọi là “Xá lợi” hoặc gọi là “Đan” hội tụ ở một nơi thủ ý nào đó trong cơ thể.
2. Ngũ khâu luyện công.
Năm khâu của luyện công là : Tinh – Khí – Thần – Hư – Đạo.
Năm chữ này là thuật ngữ khí công vẫn dùng từ xưa đến nay.
Người luyện công không được phép coi nó là mê hoặc.
Trong mỗi khâu luyện công lại gồm có tứ diện (4 mặt): Vật chất – Năng lượng – Trạng thái – Công năng, khí công hiện ra trong trạng thái nhất định nào đó.
Các loại vật chất được luyện ở mỗi khâu đều có thể xuất hiện ở một bộ vị nào đó trong cơ thể. Chúng ta đều có một hình thái nhất định nào đó. Khi luyện công đến trình độ tương ứng, mọi người luyện công đều thấy được nó đạt trình độ đó gọi là “Nội thị phản quan”. Những vật chất nói ở trên đều có phát quang, có hình thái, công năng và năng lượng to nhỏ tương ứng với từng loại. Mỗi khi tiến lên mỗi khâu mới, sẽ thấy trạng thái vật chất đều có khác.
– Giai đoạn luyện tinh hóa khí: Là giai đoạn luyện khí công của người bình thường.
– Giai đoạn luyện khí hóa thần: Mọi trạng thái quan sát được sẽ khác hẳn, khi đó phải hoàn toàn dùng các phản xạ tự nhiên.
– Giai đoạn luyện thần hoàn hư : Phản xạ tự nhiên sẽ xuất hiện theo ý muốn người tập, tiến vào trạng thái luyện công một cách tự động.
- Vòng 1: “bát bảo”: Nhật – Nguyệt – Tinh – Địa – Không – Thủy – Hỏa – Phong ;
- Vòng 2: “Tứ trình” ;
- Vòng 3: “Điều tâm”;
- Vòng 4: “Ngũ khâu” ;
- Vòng 5: “Tam cấp”
– Giai đoạn luyện hư hợp đạo: Toàn bộ quá trình luyện công đều diễn ra một cách tự động, con người sẽ tự động luyện công suốt 24/24h. Trạng thái của mỗi tầng, nấc đó đều khác nhau, công năng của từng quá trình đó cũng khác nhau.
3. Tam cấp luyện công.
Thành quả luyện tập khí công chia ra làm ba cấp: khí công sơ cấp; khí công trung cấp; khí công cao cấp.
3.1 -Khí công sơ cấp.
Khí công sơ cấp tương đương với trình độ khí công mà hiện nay ai cũng tập được, hoặc là khí công đang được mọi người luyện đại chà ở các công viên, vườn hoa. Ở cấp này ít khi diễn ra những phản ứng đặc biệt, nó chỉ có tác dụng cường thân, kiện thân, phòng bệnh, trị bệnh… Theo cách nói của Đạo gia thì khí công sơ cấp là Nhân tiên, Địa tiên công còn Phật gia gọi khí công sơ cấp là La Hán công.
3.2 -Khí công trung cấp.
Tiến lên cấp khí công này con người trở nên mạnh khỏe, tinh lực dồi dào, lượng ăn ít đi, giấc ngủ rút ngắn lại, có xuất hiện một số công năng đặc dị khác nhau: khí công trung cấp tương đương với công phu Thần tiên của Đạo gia, tương đương với công phu Bồ tát của phật gia.
3.3 -Khí công cao cấp.
Người luyện đạt được công phu này thì tinh lực rất dồi dào, không cần ngủ, hoặc rất ít ngủ hoặc luyện công ngay trong giấc ngủ. Đồ ăn rất thanh đạm và ăn rất ít. Đồng thời có những công năng phi phàm, tuổi thọ cao. Khí công cao cấp tương đương công phu tiên thiên của Đạo gia, tương đương với Phật công của Phật gia. Các danh từ đó đều là thuật ngữ khí công. (Quý vị cũng không nên lẫn lộn với các bậc “Thần, Tiên, Phật ” trong tín ngưỡng dân gian).
Như vậy là bổn giả đã trình bày đầy đủ các yếu tố và những quá trình luyện công cần có, để quý vị có thể tiện theo dõi và nghiên cứu thực hành trên bước đường tu tập khí công hầu đạt tới mục đích trường sinh khoản lão, được mạnh khỏe, sống lâu, sống khỏe, chậm già, phát triển trí tuệ thông sáng, ít bệnh tật, không đau ốm vặt. Cuộc sống con người được như vậy lo chi gia đình không hạnh phúc tươi vui, xã hội không văn minh, thịnh trị.
Được như vậy là quý vị đã bước chân lên con đường hoa gấm của nhân gian rồi đó! Có khác chi Địa tiên, Nhân tiên, La hán trên cõi đời này. Chỉ lưu ý quý vị một việc nhỏ là việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, chớ vì sự dễ dàng mà coi thường bỏ qua các bước luyện tập nhé. Quý vị đang cầm trên tay một chiếc bánh ngon tuyệt mỹ. Chỉ xin quý vị chớ vội ăn ngay, mà hãy nâng niu nó trên đôi bàn tay thơm tho của mình, để mà ngắm nghía, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết của nó, thưởng thức hương dịu thơm của nó, sau đó quý vị hãy từ từ, chậm rãi, bẻ từng miếng bánh nhỏ, ngậm vào miệng, từ từ thụ hường cái vị ngon ngọt, thuần khiết, thấm nhuần nơi chân răng, cuống họng, các vị sẽ nhận thấy: “Cuộc sống thật đẹp và hoàn mỹ nếu ta biết thụ hưởng nó !”
“Sức khỏe là vàng!” – Hãy thụ hưởng cuộc sống tươi đẹp quý vị nhé !
Chúc quý vị an lạc, thẳng tiến trên con đường tu tập, với trái tim hoan hỷ, độ lượng, nhân từ luôn tỏa sáng!
Tiết Lập Xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.
(Ngày 10 tháng giêng năm Bính Thân)
Ngày 17 tháng 2 năm 2016.
Võ sư Lý Băng Sơn
(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)