PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)

Khí công

I. Nhận định.

 1. Luận về Nội, Ngoại – Quyền, Công.

Võ học chia ra nội ngoại công, và phân biệt ra hữu hình và vô hình. Vô hình là luyện tinh khí thần (nội công) còn hữu hình là luyện gân, da, xương (ngoại công).

Ngạn ngữ võ lâm có câu : “Lực bất đả quyền – Quyền bất đả công”.

Quyền là bì mao của công, công là cốt cán của quyền. Quyền và Công cùng làm nhân quả cho nhau,  thế cho nên không thể nặng nhẹ, thiên, phế, bên nào. Người luyện quyền thì đầy rẫy, người luyện công thì trong trăm nghìn chưa có là bao. Vì tập quyền thì dễ luyện công thì khó, người dạy quyền trong thiên hạ thì nhiều vô kể, còn người dạy công thì thực hiếm và ít vô cùng. Xưa nay những bậc danh gia thành tài nổi danh trong thiên hạ đều không phải đều do phú thiên bẩm sinh ra mà có được sự thành danh ấy. Tất cả đều là nhờ có công phu rèn luyện, trải qua muôn vàn tâm khổ mới đạt tới công lực tuyệt cảnh.

2. Luyện quyền, luyện khí & những điều nên biết

Trước hết hãy nói về quyền. Quyền cũng là để tự vệ mà cũng là luyện khí vì luyện quyền có hai cách tập (Tập lực – Luyện khí)

Tập lực là để tự vệ, còn luyện khí là để theo nhịp của hơi thở, luôn nhớ rằng khi gạt, đỡ thì hít từ từ. Rồi nín hơi trầm đan điền cho đến hết, tiếp từ từ thở ra là đánh hoặc đá – động tác thì như vậy còn khi luyện tập thì tìm chỗ không ô nhiễm, tập lúc không có mặt trời, bởi tập đây là rước khí âm. Bởi muốn cho thân thể có đủ âm dương mới tránh được các thứ bệnh cho thể xác, mới được trường sinh khoản lão. Phép luyện khí còn phải giữ kỹ về ăn uống. Thời xưa, ông cha mình ăn lông ở lỗ mà không có bệnh lạ nhiều như ngày nay vì sự luyện khí đã sớm thành công. Còn nay quá nhiều thức ăn cao lương mỹ vị, thơm mũi, ngon miệng mà sinh ra nhiều thứ bệnh lạ, làm cho đông y, bác sỹ phải bó tay, thế nên phải kiêng cữ các đồ ăn, uống cùng hút, hít vậy :

– Đường, bột ngọt và các chất hóa học về thức ăn.

– Thuốc lá, rượu mạnh, giảm bớt tình dục.

– Bữa ăn phải theo giờ của bao tử, hễ đói thì phải ăn ngay, no đừng ăn thêm gì nữa, nghĩa là phải dưỡng dạ dày. Nếu dạ dày đau thì tâm, can, phế, thận liệt.

– Kiên quyết không hút, hít, chích các chất gây nghiện cao như thuốc phiện, ma túy….

Không nên nghe thuyết nói luyện khí chữa được các bệnh, tin như vậy là sai, Khí không thể có chức năng chữa bệnh như các loại thuốc kháng sinh, mà khí chỉ có thể luyện tập để phòng chống bệnh tật mà thôi.

Nghĩa là người ta luyện khí để chống các thứ bệnh ngoài xâm nhập vào cơ thể, còn thức ăn là đưa dưỡng chất vào nuôi cơ thể để bảo vệ sự sống của xác thịt. Cả hai tồn tại song song, tế nhị và đều có chân lý riêng của nó.

II. ĐẠI CƯƠNG LUYỆN TẬP NỘI KHÍ CÔNG VÕ LÂM.

 1. Các phương pháp luyện tập.

 1.1 Cố tinh : Tĩnh tâm, quả dục (chế giảm ham muốn)

Tinh cố thì trí minh – trí minh thì đởm tráng – đởm tráng thì thắng. Muốn đạt thành công thì phải giữ mình như ngọc, kiên tâm trì chí, không để bất cứ ngoại vật nào xâm nhiễu kích động. (tinh cung cấp năng lượng cho cơ thể và duy trì nòi giống).

1.2. Ngưng thần : Luyện công tinh trí ngưng thần, thần ngưng thì sáng suốt, thần loạn thì hôn muội. Luyện thần phải tập trung cao độ (tĩnh tâm – bế mục). Thần là hình thức năng lượng cao cấp do bộ thần kinh tạo ra, chỉ có con người mới có, nhờ nó con người biết tư duy, có ý chí, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật.

1.3. Luyện khí : Khí rất quan trọng trong luyện võ, thông qua cách thở, còn được gọi là môn thuốc trường sinh.

*Luyện khí căn bản có 2 cách :

– Thở khí qua miệng và giữ phần còn lại nơi đan điền, các bắp thịt, nội tạng, là cái nôi của nội lực. Hơi thở phải hòa hợp với đòn đánh.

– Thở khí qua miệng, thở sâu để trút hết trọc khí. Khi hít vào lưỡi để thượng ngạc để cam lồ chảy liên tục giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động (dạng chất đặc biệt đối với cơ thể).

Tóm lại luyện khí là mượn hơi thở để thu hút tinh hoa của vũ trụ. Lấy sức mạnh tự nhiên biến thành sức mạnh bản thân, khi mà sức mạnh cơ bắp đơn thuần không vươn tới nổi.

Người tập quyền chỉ có thể đạt mức giữ cho khí trầm đan điền và hành khí ra tứ chi. Còn người luyện công có thể vận khí khắp toàn thân, khí động thì lưu hành ở ngoài, khí tĩnh thì lưu hành bên trong, tàng ẩn cùng khắp từ thiên đình tới địa không.

1.4. Dưỡng khí : Tức là luyện tập để chuyển hoán các trạng thái xấu của khí thành trạng thái tốt. Khí ở trong cơ thể luôn phân thành các loại : hư, thực, bình, táo.

– Người có thể nhược, huyết suy, ắt hẳn khí hư, hư thì dễ phù, đều là bệnh của khí. Vậy muốn chuyển hư thành thực nên luyện theo cách sau :

Đứng thẳng, áp hai bàn chân trên mặt đất, hai chân mở bằng vai, tay chắp eo 4 ngón hướng tới trước bụng, ngón cái hướng sau lưng, hổ khẩu sát hông, ngực ưỡn, đầu ngay, mắt mở to, miệng khép kín, đầu lưỡi để thượng ngạc. Đưa khí từ ngực, bụng lên há miệng từ từ thở ra rồi lại hít từ từ vào đầy ngực đầy bụng, trầm đan điền, kế tiếp ghì 10 ngón chân xuống đất, kiễng 2 gót lên, lên xuống, làm như vậy khoảng 30 -40 lần và tăng dần lên để giúp khí ở đan điền vận hành khắp cơ thể.

– Người thể cường, huyết vượng, thì khí phải sung; sung thì dễ táo, tán khí (bội táo). Vậy phải luyện dưỡng táo thành bình như sau :

Ngồi xếp 2 chân giao bàn, lòng bàn chân ngửa lên, hai tay đặt trên háng, lòng bàn tay ngửa lên, ngồi từ 30-60 phút, sáng chiều 2 lần (đây là phép La Hán dưỡng sinh công).

1.5. Điều khí : Là điều tiết hơi thở để phụ trợ khí huyết khi hành, trước hết thở một hơi mạnh qua miệng dài chừng 5 giây (1-2 giây là đưa trọc khí từ bụng ra, 5 giây là đưa trọc khí toàn thân ra) kế hít vào trong mũi cũng chừng 5 giây. Số lần hít thở bằng nhau, khí đầy thì thở ra, khí hết thì hít vào.

Trong lúc luyện quyền thì giữ hơi thở với đòn đánh. Khi nhảy cao, đá bay thì hơi thở phải dồn lên để thân nhẹ nhàng tăng sức bật (đề khí) khi đứng tấn, hoặc tung đòn tay thì dồn hơi xuống đan điền, dồn sức xuống đôi bàn chân để tăng độ vững mạnh. Lúc luyện công, khi hít vào thì vận hành khắp chân thân, khi đẩy ra thì gom từ ngực, bụng và đan điền, cho tới tận hai bàn chân, hai bàn tay, giữ cho khí trong mức độ không thịnh, không kiệt.

2. Các trường phái luyện khí.

 Các nhà nghiên cứu khoa học, võ thuật, khí công đã tổng kết trong luyện khí có các trường phái tiêu biểu sau:

1- Đạo gia: Luyện khí chủ yếu tạo sự khang kiện cơ thể, cả thể xác – tâm hồn. Phương pháp này dạy cách phát triển trau dồi tâm chất và sự sống nghĩa là hai mặt luyện tập và suy tưởng.

2- Phật gia : Phương pháp luyện khí đặt nặng về sự điều hòa phần tâm, tức là gạt bỏ các tạp niệm để đầu óc trống không, tiến dần đến giác ngộ.

3- Khổng gia : Trong luyên khí lại nêu ra những “Nguyên tắc của tâm hồn”. Sự chân chính và sự luyện rèn các đức tính, đưa người tập và trạng thái nghỉ ngơi yên tĩnh.

4- Y gia : Chủ trương dùng luyện khí trị bệnh tật, bảo dưỡng sức khỏe mà kéo dài tuổi thọ.

5- Võ gia : Luyện tập khí nhằm xây dựng sức mạnh cá nhân, biết trấn tĩnh tinh thần khi bị tấn công, hoặc để công kích địch thủ, cũng có khả năng bảo vệ sức khỏe, và nâng cao tuổi thọ. Phương pháp này khác biệt hẳn so với 4 trường phái trên.

Trong luyện khí tuy các trường phái có sự khác biệt nhau, nhưng không nằm ngoài 3 nguyên tắc chính : Tĩnh luyện – Động luyện – Tĩnh động luyện. Và cả 3 nguyên tắc đều phải có đủ 3 mặt : Luyện tâm (điều tâm)- Luyện thở (điều tức) – Luyện ngoại hình (điều thân).

– Điều tâm : Định thần

– Điều tức : Nạp khí- vận khí- xả khí- bế khí

– Điều thân : Gồm nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể qua nhiều tư thế qua 6 cách : Hành (Đi) – Lập (Đứng) – Ngọa (Nằm) – Tọa (Ngồi) – Quỵ (Quỳ) – Án ma (Xoa bóp).

Mục đích chính của luyện tập để kinh mạch điều hòa (Luyện kinh mạch) – thần kinh vững mạnh (Luyện tâm) – lục phủ ngũ tạng được kích phát và khang kiện  (Luyện phủ tạng). Muốn vậy phải vận dụng hơi thở, thở có ý thức

3. Cách luyện :

3.1- Thở bụng (thuận) : Thở bụng thuận được thực hành trên 4 tư thế chính : Lập (Đứng) – Hành (Đi) – Tọa (Ngồi) – Ngọa (Nằm).

– Lập : Đứng thẳng như nghiêm nhưng 2 chân mở rộng 25-30 cm cho vững, 2 tay buông xuôi thoải mái không co cứng.

– Hành : Đi : 2 chân di động nhưng giữ thân người thật thẳng.

– Tọa : Ngồi bán- kiết già tùy ý, có thể ngồi ghế 2 chân buông xuôi, 2 tay để trên bắp vế hoặc buông xuôi giữ lưng thẳng góc với mặt đất, ghế.

– Ngọa : Nằm trên mặt đất và để xuôi hai tay, không gối đầu, hai tay để úp xuôi theo thân mình

Dù luyện tập ở tư thế nào 2 tay, và 2 vai đều buông lỏng thoải mái trước khi thở, phải gạt bỏ ý niệm, tập trung ý vào hơi thở, xương sống phải thật ngay thẳng.

3.2- Thở ngực (nghịch) : Lúc nạp khí ngực căng lên, bụng thót lại. Lúc xả khi ngực xẹp xuống, bụng hơi phình ra. Làm như vậy tốt cho phế nang thượng, tạo sự cường tráng. Mới tập mỗi lần 5-10 phút thật đúng giờ và chia nhiều lần trong ngày. Khi quen tăng dần lên.

* Phương pháp thực hành :

– Nạp khí : hít khí vào mũi từ từ

– Vận khí : nín thở dồn xuống đan điền rồi dồn khí luân lưu theo kinh mạch

– Xả khí : thở ra hết bụng thót lại từ từ nhẹ nhàng cho đến hết.

– Bế khí : Ngưng thở trong lúc bụng trống rỗng, nhíu hậu môn lại và tưởng tưởng khí của toàn cơ thể trở lại đan điền.

*Lưu ý:  khi thở cả 4 thì đều phải êm, nhẹ và đều đặn, kết hợp co giãn cơ, nhưng giãn là chính. Tự điều hòa 4 nhịp cho vừa phải, cảm thấy thoải mái thì thôi.

Nếu chỉ Nạp – Xả là 2 thì, đó là phương pháp đạo gia lấy thư giãn làm chủ yếu à hợp người bệnh cao huyết áp bệnh tim mạch, hen suyễn, thở đều – nhẹ – êm.

 

Tiết Lập Xuân, Thanh Nhàn, Hà Thành.

(Ngày 8 tháng giêng năm Bính Thân).

Ngày 15 tháng 2 năm 2016.

Lương y – Võ sư: Lý Băng Sơn.

(Võ Lâm Phật Gia Việt Nam)

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.