Chưởng: tức là bàn tay 5 ngón mở tự nhiên, các ngón co lại tự nhiên, và chia thành: chưởng tâm (lòng bàn tay) – chưởng căn (cùi tay) – chưởng bối (mu bàn tay) – chưởng hàm (sống bàn tay) – chưởng chỉ (ngón tay).
Trong quyền thuật đòn đánh ra mau nhẹ nhất và chính xác nhất, có sức mạnh nhất mà lại biến hóa khó lường nhất chính là ở chỗ xuất chưởng, chưởng đánh ra thì bàn tay hướng thẳng về phía trước, các ngón tay khít chặt với nhau, lực tụ ở cườm tay rồi tùy thuộc thời thế mà vận dụng. Có tên gọi khác nhau chẳng qua do tiến công, phòng thủ ở vị trí trên dưới, tả hữu mà phân biệt ra còn những thế khác cũng chỉ nói về vận động của bàn tay trong khoảng chừng 10cm trong nháy mắt mà ra. Cho nên chưởng pháp biến ảo khó đoán, thần diệu khó tin, thường là sau luyện tập quyền pháp người ta nghiên cứu tới chưởng pháp. Trong thực tế ứng dụng chiến đấu, cánh tay thay đổi như có thể duỗi, vung, vẩy, tạo thành các loại chưởng pháp. Về mặt kỹ thuật, chưởng pháp và quyền pháp (bộ thô sơn) có những điểm gần giống nhau, do đó trong thực tế chiến đấu thì chưởng pháp và quyền pháp thường được sử dụng kết hợp với nhau. Nhưng mặt chưởng lớn hơn mặt quyền, khoảng cách giữa chưởng cùng với đối thủ tương đối dài hơn khoảng cách giữa quyền với đối thủ, tính linh hoạt của chưởng lớn hơn, do đó có chỗ rất độc đáo về lối đánh hơn nữa sau khi dùng chưởng đánh đúng đối thủ lại có thể tiếp tục đẩy, chụp, kéo, tiếp tục tạo điều kiện cho các đòn thế khác, ví như chụp được đối thủ thì lại có thể tạo điều kiện cho các đòn quăng ném.
Trong võ thuật cổ truyền chưởng pháp được xếp thành bộ Thổ, tượng trưng cho đất mẹ, trung ương của Ngũ hành. Tính chất của Thổ nhu hòa tàng giữ hóa giải thích hợp cho những đòn thế hóa giải tấn công. Chưởng pháp được phân thành 18 kỹ thuật khác nhau do công dụng và tính chất khác biệt của đòn thế, giới võ thuật từ cổ xưa đã dùng mỹ từ đặt tên “giáng long thập bát chưởng” không phải là không có lý vậy.
Thập bát chưởng được sắp xếp như sau.
STT |
Tên gọi |
Tính chất |
Điểm chạm |
Công dụng |
Phương vị |
1 | Điệp chưởng tán hoa | Phòng thủ | Bối chưởng | Gạt đòn tấn công của đối phương | Trung bàn |
2 | Miêu chưởng hoành phong | Phòng thủ | Chưởng tâm | Vỗ chặn đòn tấn công bằng tay của đối phương | Trung bàn |
3 | Miêu chưởng phủ địa | Phòng thủ | Chưởng tâm | Vỗ đè đòn tấn công của đối phương | Hạ bàn |
4 | Mãnh công độc chưởng | Tấn Công | Chưởng tâm | Đánh thẳng mặt, huyệt Cự Khuyết của đối phương | Trung bàn |
5 | Miêu chưởng phủ diện | Tấn Công | Chưởng tâm | Chụp từ trên xuống mặt đối phương | Thượng bàn |
6 | Thần long giáng chưởng | Phòng thủ | Chưởng hàm | Chặn ép từ trên xuống che hạ bàn | Hạ bàn |
7 | Ngưu chưởng thăng đề | Phòng thủ | Chưởng hàm | Đỡ nâng đòn tấn công của đối phương | Thượng bàn |
8 | Bát chưởng sát hầu | Tấn Công | Hổ khẩu | Đánh chẹn hầu đối phương | Trung bàn |
9 | Bối chưởng hoành phong | Tấn Công | Bối chưởng | Tạt đỡ đòn thế tấn công bằng tay của đối phương | Trung bàn |
10 | Phiến chưởng áp nhĩ | Tấn công | Chưởng tâm
Chưởng căn |
Đánh vào huyệt Thái dương, mang tai | Thượng bàn |
11 | Âm dương pháp chưởng | Phòng thủ | Chưởng tâm | Chặn đòn tấn công của đối phương vào trung bộ của ta | Trung bàn |
12 | Hồ điệp xuyên hoa chưởng | Tấn công | Chưởng tâm | Tấn công vào mặt, ức, hạ bộ bụng đối phương | Trung bàn
Hạ bàn |
13 | Lôi công hạ chưởng | Phòng thủ | Chưởng cạnh | Chặn đỡ đòn tấn công từ dưới lên | Hạ bàn |
14 | Song long thần chưởng | Tấn công | Chưởng tâm
Chưởng căn |
Đánh vào 2 huyệt nhũ căn, 2 cạnh sườn đối phương | Trung bàn |
15 | Miêu chưởng liêu âm | Tấn công | Chưởng căn, chưởng chỉ | Chuyên dùng đánh vào hạ bộ | Hạ bàn |
16 | Phong xa luân chưởng | Tấn công | Chưởng căn | Đánh vào huyệt cự khuyết | Trung bàn |
17 | Thần thông thượng chưởng | Phòng thủ | Chưởng cạnh | Đỡ đòn tấn công từ trên xuống | Thượng bàn |
18 | Càn khôn đảo chưởng | Tấn công | Chưởng cạnh | Tấn công cổ, ngực, huyệt cự khuyết | Thượng, trung bàn |