Cơ sở lý luận của võ thuật cổ truyền Việt Nam

Vạn vật có Âm có Dương thì quyền thuật có Nội có Ngoại tức Vô hình và Hữu hình. Hiện ra bên ngoài có thể nhìn thấy thuộc ngoại thì có Nhãn, Thủ, Thân, Yêu, Bộ. Ẩn ở bên trong mắt thường không thấy thuộc nội có Thức, Tâm, Kình, Khí, Thần. Đó là căn bản mà quyền thuật gia không ai là không biết. Võ thuật cổ truyền gọi đó là     “Thập đại yếu pháp”: 10 pháp chính người luyện võ cần phải biết,  trong Thập đại yếu pháp lại chia ra nội, ngoại pháp.

– Ngũ ngoại pháp:

1. Nhãn pháp (phương pháp sử dụng mắt).

2. Thủ pháp (phương pháp sử dụng đôi tay).

3. Thân pháp (phương pháp sử dụng thân người).

4. Yêu pháp (phương pháp sử dụng eo).

5. Bộ pháp (phương pháp sử dụng đôi chân).

– Ngũ nội pháp:

1.Thức pháp (sự hiểu biết).

2.Tâm pháp (phương pháp luyện tâm tĩnh an định).

3. Khí pháp (phương pháp luyện tập hít thở).

4. Kình pháp (phương pháp luyện kình, sử dụng kình).

5. Thần pháp (phương pháp rèn luyện giác quan thứ sáu).

Kết hợp được Nhãn, Thủ, Thân, Yêu, Bộ thì toàn thân đã đúc kết thành một khối, vững chắc tựa núi Thái Sơn. Quyền cước phóng ra liên miên, bất tận, thân pháp thoắt ẩn, thoắt hiện. Hễ Nhãn động thì Thủ động, Thủ động thì Thân động, Thân động thì Eo động, Eo động thì Cước động … Hành xử một lúc được cả năm điều trên là đạt đến bậc danh gia quyền thuật vô địch, nhưng quyền thuật gia vô địch chưa hẳn là một quyền thuật gia bất bại. Đã có ngoại thì phải có nội tương trợ, nếu không thì ắt có ngày đá vàng tan nát, uổng phí công phu tập luyện bấy lâu.

Vạn vật trong vũ trụ, Dương không thể thiếu Âm, sáng không thể thiếu tối, võ học cũng vậy, tuy có thể tạo nên nhiều kỳ tích nhưng cũng không thể đi ngược lại với đạo trời; để tương ứng với Ngũ ngoại pháp thuộc phần Hữu hình trên thì phần Ngũ nội pháp gồm có “Thức – Tâm – Thần – Khí – Kình”. “Thức” là sự hiểu biết – khi thông suốt mọi điều thì Tâm sẽ tịnh, Tâm tịnh thì Khí sẽ thông suốt, Khí đã thông suốt thì ngoại nội kết hợp Kình sẽ đến như dòng điện, đạt được Thức, Tâm, Khí, Kình hợp nhất tất sẽ phát huy Thần là giác quan thứ sáu, những hành động hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức, đó chính là Thần. Thần còn gọi là “linh khí”. Nhưng linh khí do đâu mà có? Chính là sự luyện tập lâu ngày mà ra, do Tâm tịnh mà có, Tâm tịnh thì tinh thần mới tụ lại chuyên chú điều khiển cái khai hợp đến nơi đến chốn, xuất phát nhân điện đưa người luyện tập bước vào lĩnh vực cao siêu của quyền thuật. Đạt được cả 10 điều trên “Thập đại yếu pháp” thì võ công ắt thuộc vào hàng ngoại hạng, muốn bại cũng khó, không cầu vẫn thắng. Do đó từ xưa tới nay người luyện võ đều chăm chú luyện tập không lơi là, nhiều người do khổ luyện mà trở thành các bậc danh võ của nước nhà. Lịch sử võ học Việt Nam còn lưu danh họ muôn đời.

Filed in: Kiến thức võ thuật

You might like:

ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10) ĐIỀU TRỊ TAI BIẾN DO LUYỆN CÔNG SAI. (Bài 10)
TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9) TẨU HỎA NHẬP MA SỰ SAI LỆCH TRONG LUYỆN TẬP VÕ THUẬT – NỘI KHÍ CÔNG. (Bài 9)
CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8) CÁC YẾU TỐ VÀ QUÁ TRÌNH LUYỆN CÔNG. (Bài 7 – 8)
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6) PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ CÔNG – NỘI CÔNG VÕ LÂM. (Bài 6)
© 2024 Võ phái Võ Lâm Phật Gia Việt Nam. All rights reserved. XHTML / CSS Valid.
Proudly designed by Theme Junkie.